Lâm Đồng: “Hạ sốt” giá bất động sản từ đề án chống thất thu thuế Thống nhất một loại giá đất để chống thất thu thuế bất động sản

Siết phân lô, tách thửa chỉ là giải pháp tình thế

Mới đây, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Công khai thông tin quy hoạch để tránh bất động sản “sốt ảo”
Công khai thông tin quy hoạch để tránh bất động sản “sốt ảo”. Ảnh: Văn Nam.

Ngày 22/3/2022, UBND TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn; UBND tỉnh Khánh Hòa thì yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn…

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Đánh giá về giải pháp trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý nhà nước, như vậy là tư duy không quản được thì cấm. Về lâu dài, ở mỗi địa phương cần thiết phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Việc sử dụng đất vào mục đích nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch… cần đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống.

Chuyển đổi số để tạo minh bạch cho thị trường bất động sản

Theo ông Đính, đầu cơ mua đi bán lại đất, chờ tăng giá rồi bán kiếm lời của bộ phận nhà đầu cơ không phát huy được tiềm năng của đất. Trái lại, gây ra nhiều hệ lụy như giá đất tăng cao gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án lớn. Việc phân lô, tách thửa thường diễn ra manh mún, tự phát, không theo quy hoạch dễ dẫn đến làm khó cho triển khai đồng bộ hạ tầng xã hội, nên cần thiết phải siết chặt. Sau khi siết, trong ngắn hạn có thể khiến giá bất động sản đất phân lô, tách thửa đang có sẵn bị đẩy giá lên cao. Nhưng về lâu dài, sẽ giúp kiểm soát được cơn sốt đất, vì giá cao sẽ khó có thanh khoản tốt, ít giao dịch.

Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã đề nghị sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến 2 Dự án Luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản. Đồng thời, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, tổ chức lập phê duyệt, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần có mệnh lệnh từ trung ương xuống các địa phương yêu cầu chỉnh đốn lại việc các “cò đất” tung tin giả, thậm chí có thể xử lý hình sự với các trường hợp cố tình gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Hệ thống quản lý của chúng ta hiện nay còn cổ điển, về dài hạn, cần thay thế bằng các biện pháp chuyển đổi số để tạo được tính minh bạch thực sự cho thị trường bất động sản.

Bên cạnh các giải pháp công khai, minh bạch hóa thị trường bất động sản bằng công nghệ số, cần nghiên cứu hệ thống thuế đánh vào các trường hợp đầu cơ bất động sản. Triển khai những giải pháp như vậy, sẽ ngăn được tình trạng đầu cơ bất động sản./.