COVID-19 tới 6 giờ ngày 1/1: Thế giới chào năm mới 2022 với nỗi lo Omicron
Các nghệ sĩ biểu diễn mừng Năm mới tại Dubai, UAE ngày 31/12/2021.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 288.473.658 ca, trong đó có 5.452.547 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, khiến số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 400.000 ca), Anh, Tây Ban Nha và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.300 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 253 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 24 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 31/12, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.

Tại châu Á, nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Thành phố Tây An (Xian), tỉnh Thiểm Tây vẫn đang áp lệnh phong tỏa, trong khi nhiều sự kiện chào đón năm 2022 tại các thành phố lớn đã bị hủy.

Tại Hàn Quốc, giới chức thành phố Seoul cũng cấm người dân tới xem sự kiện truyền thống rung chuông đêm giao thừa. Thay vào đó, các gia đình có thể theo dõi sự kiện này trực tiếp trên truyền hình hoặc trên nền tảng thực tế ảo metaverse.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các bữa tiệc và giới hạn số người tham dự. Chính quyền quận Shibuya, địa điểm giải trí nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, đã cấm các bữa tiệc cuối năm.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.546 ca mắc mới COVID-19 và 405 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 14.866.960 trường hợp và 304.692 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Philippines bất ngờ tăng cao trở lại với trên 100 ca.

Việt Nam ngày 31/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 16.500 ca mắc mới và 226 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, song số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 31/12 ghi nhận thêm trên 3.000 ca bệnh mới và 26 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 8 bệnh nhân mới và không có ca tử vong nào trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới hiện quay lại mức 4 con số. Điều đáng lo ngại là số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua tiếp tục ở mức cao.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Tại châu Đại Dương, Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày cuối cùng của năm 2021, trong bối cảnh chính phủ nước này công bố một số thay đổi về yêu cầu xét nghiệm và cách ly đối với người mắc và người tiếp xúc gần. Giới chức y tế bang New South Wales (bang đông dân nhất Australia) ngày 31/12 cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua ở bang này là hơn 21.000 ca, tăng gần gấp đôi so với con số kỷ lục 12.226 ca ghi nhận một ngày trước đó, thậm chí cao hơn con số tổng cộng 20.058 ca ghi nhận ngày 30/12 trên cả nước, gồm 6 bang và 2 vùng lãnh thổ.

Tại châu Mỹ, quy mô các sự kiện chào đón Năm mới tại quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ) sẽ bị thu hẹp, song người dân không vì thế mà bỏ lỡ thời khắc đếm ngược quan trọng tại đây.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ kêu gọi người dân tránh đi du lịch trên các du thuyền bất kể tình trạng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của họ ra sao. CDC Mỹ đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ đang tăng cao kỷ lục vì biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Từ ngày 5/1/2022, Cuba sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch tễ đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh nhằm hạn chế sự gia tăng các ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế nước này cho biết tất cả những người nhập cảnh, dù là khách nước ngoài hay công dân Cuba, đều phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và kết quả PCR âm tính được thực hiện trong 72 giờ trước khi đặt chân tới đảo quốc này.

Cuba cũng sẽ tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hành khách tới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao. Giới chức y tế Cuba xác nhận số ca mắc COVID-19 tại đảo quốc này đã tăng 34,8% trong tuần trước.

Tại châu Phi, Nam Phi - quốc gia phát hiện biến thể Omicron vào tháng trước - đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 4h sáng để cho phép người dân tổ chức các hoạt động ăn mừng. Giới chức y tế Nam Phi nhận định xu hướng số ca nhiễm giảm đi trong tuần qua cho thấy nước này đã đi qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh hiện nay.

Tại châu Âu, từ ngày 4/1/2022, Đức sẽ bãi bỏ yêu cầu cách ly và trình xét nghiệm âm tính với COVID-19 đối với người đến từ Anh, sau hơn một tháng áp đặt quy định này. Điều này đồng nghĩa những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc có lý do quan trọng để đi lại sẽ được phép nhập cảnh Đức.

Ireland đã quyết định giảm thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19 từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và nới lỏng yêu cầu xét nghiệm, trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục lần thứ 4 trong vòng 1 tuần khiến các cơ sở xét nghiệm bị quá tải. Bộ Y tế Ireland ngày 30/12 thông báo ghi nhận 20.554 ca nhiễm mới, cao gấp đôi mức kỷ lục trong các làn sóng lây nhiễm trước, trong đó biến thể Omicron gây ra tới 92% số ca nhiễm.