Lỡ hẹn với mùa thu

“Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc-xin” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tại cuộc làm việc với Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hồi cuối tháng 6. Ông nói: “Chúng ta khẳng định quyết tâm với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin nói chung và nhất là tập trung cho vắc-xin Covid-19 nói riêng”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Công ty Vabiotech, ngày 24/6/2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Công ty Vabiotech, ngày 24/6/2021.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc thực hiện thành công chiến lược vắc-xin có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ số một để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn. Việt Nam không thể mãi đóng cửa, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi, các biến chủng của virus nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn.

Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 7 đến tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Ông cũng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc-xin tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 hồi tháng 8, Thủ tướng thấy: “Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc-xin sản xuất trong nước”.

Đảng, Nhà nước quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vắc-xin trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả.
Đảng, Nhà nước quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vắc-xin trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả.

Bởi các lý do khác nhau, việc sản xuất vắc-xin nội đành lỡ hẹn với mùa thu. Nói như Thủ tướng: “rất cần thiết, cấp bách nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân”. Trong cuộc họp cách đây vài ngày, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vắc-xin, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Đâu rồi sự tự tin?

Mùa hè năm ngoái ở nghị trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu về những điều mà ông thấy là “ngoài sức tưởng tượng”. Tràn đầy phấn khởi, đại biểu Trí nói: “Là một đại biểu Quốc hội thuộc ngành Y tế nên tôi xin được nhận xét trong cuộc chống dịch Covid-19, y tế Việt Nam đã đánh dịch rất hay, rất chuẩn, rất khoa học và đầy tự tin. Việt Nam là một trong những nơi phân lập được virus nCoV đầu tiên. Việt Nam là nơi chữa khỏi được những ca bệnh nhiễm Covid-19 đầu tiên và đến cả Tổng thống Mỹ cũng phải trầm trồ khen ngợi. Việt Nam là một trong những nước đã sản xuất thành công rất sớm bộ kit xét nghiệm để phát hiện SARS-CoV-2 được thế giới công nhận và được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng, đặt mua…”.

Chậm là mất cơ hội

Học viện Quân y từ tháng 12/2020 đã triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax do Công ty cổ phần Sinh học dược Nanogen sản xuất. Đến thăm nơi này ngày 10/6/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta phải tự lực sản xuất được vắc-xin. Phải đẩy nhanh nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng bảo đảm vắc-xin có chất lượng cao, sản xuất hàng loạt, giá rẻ để cạnh tranh với các sản phẩm khác. Nếu không Việt Nam sẽ mất cơ hội”. Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 26/11/2021, trên thế giới có 326 loại vắc-xin đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau.

Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành nêu rõ yêu cầu Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế huy động đầu tư vào hoạt động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước; có kế hoạch để chủ động về vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19.

Mùa đông năm nay ở nghị trường, những phát biểu về một Việt Nam đầy tự tin của năm ngoái đã thay thế bằng những chất vấn đầy tâm trạng của đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Như chất vấn của đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận): “Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus, sản xuất được Kit xét nghiệm và đã có một số nước đặt mua và cử tri cả nước thì rất phấn khởi. Tuy nhiên, trong thời gian qua thì chúng ta chủ yếu là nhập khẩu” và giá nhập khẩu thì lại loạn đến mức đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) phải kêu lên: “Rất tội nghiệp cho dân!”

Công cuộc chống chọi với đại dịch vẫn chưa biết lúc nào đến hồi kết, không còn cách nào khác là phải đưa sự tự tin quay trở lại, cực nhọc mấy cũng phải cố nội lực. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và phát triển công nghệ phòng, chống dịch bệnh cần kiên trì theo đuổi công việc này vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin khi đã sản xuất, chủ động 11/12 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chấm dứt, thanh toán được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván sơ sinh… Nỗ lực tự chủ trong cuộc chiến với đại dịch, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc-xin như Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin Nanocovax; Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu vắc-xin Covivac; việc chuyển giao công nghệ vắc-xin từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vắc-xin của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và ABIOTECH triển khai; vắc-xin Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…

Đã qua thời ngóng từng liều vắc-xin

Chưa từng có doanh nghiệp nội nào nhận được sự quan tâm đặc biệt như các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực phòng chống đại dịch, chỉ trong thời gian ngắn cấp tập đón các lãnh đạo chủ chốt của đất nước tới thăm và làm việc. Không chỉ có vậy, trong các chuyến công du nước ngoài, việc kêu gọi quốc tế cùng giúp sức cho các doanh nghiệp Việt đẩy nhanh được tiến trình nghiên cứu và phát triển công nghệ phòng chống dịch bệnh, cũng trở thành một trong những ưu tiên của lãnh đạo đất nước.

Ở vị trí của một nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva và có buổi làm việc với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine m-RNA, là nơi sản xuất vắc-xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương; đề nghị WHO hỗ trợ kỹ thuật cho vắc-xin Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO.

Khi ông chọn Nga là một trong những nước đến thăm đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Nga trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên gồm gần 740.000 liều của Nga đã được chuyển giao cho Việt Nam. Cùng với đó, Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã bắt đầu tiến hành đóng ống hơn 1 triệu liều vắc-xin Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, tạo tiền đề cho doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị quy mô lớn hơn tại Việt Nam.

Hiện nay, lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên hơn 1 triệu liều sản xuất ở Việt Nam đã sẵn sàng đưa vào tiêm chủng cho người dân. Năng lực sản xuất của VABIOTECH đã sẵn sàng cho 5 triệu liều vắc-xin Sputnik V hoặc Sputnik Light mỗi tháng. Đã qua thời phải ngóng từng liều vắc-xin nhập khẩu, kể từ bây giờ, vắc-xin Made in Việt Nam đã sẵn sàng đảm bảo hoàn toàn chủ động, tự chủ cho 100 triệu dân Việt Nam.