Cuộc khủng hoảng di cư tác động thế nào đến tương lai của châu Âu

Ảnh: CNBC

Theo quy định mới có hiệu lực từ đêm ngày 15.9, những người tị nạn tại biên giới phía nam tiếp giáp với Serbia sẽ bị buộc quay lại, và bất cứ ai cố gắng lẻn qua biên giới sẽ phải đối mặt với án tù giam.

Đầu tuần này, EU đã thống nhất đưa ra một biện pháp “khẩn cấp”, tiếp nhận thêm 120.000 người di cư nhằm giảm bớt sức ép lên các nước Nam Âu, nơi mà người di cư từ Trung Đông đang ùn ùn kéo tới.

Tình hình đang trông có vẻ tồi tệ đi. Các nhà chức trách đang phải vật lộn để giải quyết số lượng lớn người di cư hiện tại, trong khi cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong một thời gian dài với số đơn xin tị nạn tăng đáng kể trong vòng vài năm qua, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hãy cùng xem xét những ảnh hưởng mà cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể gây ra đối với tương lai của châu Âu trong thời gian tới.

1. Lực lượng lao động sẽ tăng?

Những người ủng hộ người di cư cho rằng đây sẽ là một lực lượng lao động mới ở châu Âu. Ví dụ như ở Đức, nơi đang có một nhu cầu lớn về lực lượng lao động được đào tạo về toán học, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và công nghệ (MINT).

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế ở Cologne (IW), Đức đang phải đối mặt với khoảng cách nhu cầu lao động và lực lượng lao động đang già đi trong các ngành nghề thuộc MINT. Viện này dự đoán nhu cầu lao động sẽ còn tăng tiếp ở khu vực này trong tương lai, và hy vọng khoảng 800.000 người di cư dự kiến vào nước này riêng trong năm nay có thể bổ sung phần thiếu hụt này.

Đầu tháng 9, IW đã kêu gọi chính phủ Đức tạo điều kiện tiếp nhận những người tị nạn là công nhân lành nghề và tổ chức các khóa học ngôn ngữ để cho phép lực lượng lao động này vào Đức càng sớm càng tốt.

2. Giải pháp cho tình trạng dân số già ở châu Âu?

Cùng với những tranh luận về lực lượng lao động, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đau đầu với sức ép tình trạng dân số già lên các nguồn lực của chính phủ. Dân số già đang bóp nghẹt nền kinh tế, cũng như sự gia tăng số lao động nghỉ hưu đang gây sức ép lên lực lượng lao động. Việc bổ sung lực lượng lao động trẻ cùng với tăng tỷ lệ sinh được coi là một hướng giải pháp.

Theo số liệu của Eurostat, những nền kinh tế lớn ở châu Âu như Đức, Ý và Tây Ban Nha đều đang có tỷ lệ sinh thấp nhất khu vực Trong một báo cáo ra vào tháng 5/2015, Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán, dân số Đức sẽ giảm từ 81,3 triệu người năm 2013 xuống còn 70,8 triệu người vào năm 2060.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel tuần trước cho biết nước này có thể tiếp nhận 500.000 người di cư một năm trong “vài năm tới”. Tuy nhiên, sau khi 13.000 người di cư mới tới Munich vào Thứ Bảy vừa rồi, ông Gabriel có vẻ như thay đổi giọng điệu khi cho rằng Đức “đang ở giới hạn của khả năng”.

Các chuyến tàu giữa Áo và Đức đã bị đình chỉ nhằm ngăn chặn dòng thủy triều người đổ về phương Bắc.

3. Áp lực lên nền kinh tế

Mặc dù người di cư có thể thúc đẩy lực lượng lao động nhưng nhiều quan điểm thận trọng vẫn cho rằng với số lượng dân tị nạn lớn từ Trung Đông và châu Phi đang đổ về, nhiều người trong số đó không hề được đào tạo hay giáo dục, vì vậy họ có thể trở thành gánh nặng cho tình hình tài chính công.

Thật vậy, nhiều nước đang phải tiếp nhận dân nhập cư là những nước đang chịu hậu quả suy thoái như Hy Lạp và Ý, những nơi chỉ vừa thoát khỏi tình trạng không tăng trưởng trong một thời gian dài.

Nhóm chống nhập cư cho rằng dòng người nhập cư sẽ tạo thêm áp lực lên các dịch vụ công cộng như hệ thống y tế, nhà ở và giáo dục.

Những quốc gia giàu có ở châu Âu như Đức đang là điểm đến hấp dẫn nhất với người di cư, nhưng mặc dù những nước này có thể tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn để bổ sung nguồn lao động trong nước, động thái đóng cửa biên giới mới nhất của Đức cho thấy nước này cũng không muốn tiếp nhận quá nhiều người tị nạn.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere phát biểu trên tờ Taggespiegel cho biết, nếu người tị nạn muốn được bảo vệ ở châu Âu, họ phải chấp nhận thực tế rằng họ không thể chọn quốc gia để đến.

“Không thể có tự do cho việc chọn nơi ở với người tị nạn. Điều này không tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới”, ông Maiziere cho biết.

4. Quan điểm chống nhập cư

Làn sóng chống nhập cư đang tăng cao ở châu Âu trong những năm gần đây, bao gồm cả các đảng phái chính trị như Đảng Độc lập ở Anh (UKIP), Đảng Thay đổi cho nước Đức (AfD) của Đức và Đảng Mặt trận Dân tộc ở Pháp.

Cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu đã chia cắt dư luận với nhiều người vốn phản đối nhập cư đã thay đổi quan điểm khi nhìn thấy những hình ảnh đau lòng về cái chết của cả người lớn và trẻ em trên đường chạy tị nạn tới châu Âu trên truyền thông.

Người đứng đầu Đảng UKIP, Nigel Farage tuần trước đã chất vấn lãnh đạo EC, Jean-Clauide Juncker về việc ông này công bố kế hoạch hạn ngạch bắt buộc để di chuyển người tị nạn ở châu Âu, cho rằng đây là “một sai lầm lớn”.

Bất chấp những ý kiến phản đổi, vẫn có một lực lượng lớn người ủng hộ người tị nạn trên các trang truyền thông xã hội đã tụ tập và ôm hôn những người tị nạn đến với thành phố của họ./.

Mai Hương (Theo CNBC)