ODA Nhat Ban

Đây là thông tin được JICA cho biết tại buổi họp báo hàng năm của JICA diễn ra vào sáng nay (6/3/2014) tại Hà Nội.

Tổng vốn vay này bao gồm các hiệp định vay vốn mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian tới. Cụ thể, vào tháng 12/2013 và tháng 2/2014, Hiệp định vay với tổng kinh phí khoảng 55 tỷ yên cho 3 dự án là Dự án xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hà Nội (đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long); Dự án xây dựng nhà ga hành khách số 2 Sân bay Quốc tế Nội Bài (giai đoạn 3) và Dự án nâng cấp Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Thông tin từ cuộc họp báo cũng cho biết, trong ngày 6/3/2013, tại Tokyo hai bên đã ký kết hiệp định vay với tổng kinh phí 25 tỷ yên cho 2 dự án là “Tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh lần 2” và “Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 4)”.

Dự kiến cuối tháng 3/2014 này, JICA sẽ tiếp tục cung cấp khoản vay với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ yên.

Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, nguồn vốn ODA của Nhật Bản luôn đứng đầu các nước tài trợ cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng ODA của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2012-2013, Nhật Bản cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện các nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam được thực hiện ở nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển năng động và toàn diện cho nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Các lĩnh vực đó bao gồm kinh tế tài chính, giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, môi trường và y tế… Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, một mặt đáp ứng nhu cầu vận tải, mặt khác đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 người. Các dự án quy mô lớn đã góp phần tăng trưởng kinh tế cao đây là thành quả của ODA Nhật Bản thời gian qua đã dành cho Việt Nam.

Ông Mori Mutsuya cũng cho hay, định hướng trong năm 2014 Nhật Bản sẽ chủ trương hợp tác với Việt Nam làm sao hướng tới một xã hội trong tương lai an toàn và có nhiều lựa chọn cho thế hệ trẻ. Theo đó, việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam không chỉ đơn thuần là làm gia tăng các chỉ số, mà phải làm sao gắn kết thúc đẩy tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Sau khi gia nhập WTO, dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ngày càng tăng cao, vì vậy ông Mori Mutsuya mong rằng, với hệ thống thông quan mới dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 1/4 sẽ góp phần thúc đẩy nhanh chóng và hiệu quả việc xuất nhập khẩu hàng hóa và hiện đại hóa hải quan…

Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, Nhật Bản mong muốn thúc đẩy phát triển ở nhiều lĩnh vực khác, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để hiện thực hóa các dự án thành công hơn.

ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong 20 năm (1992-2012)

- Hợp tác vốn vay cam kết khoảng 2.000 tỷ yên, trong đó viện trợ không hoàn lại là 84 tỷ yên.

- Phía Nhật đã cử khoảng 7.000 chuyên gia trong đó chuyên gia tình nguyện là 525 người.

- Chương trình đào tạo tại Nhật Bản và nước thứ ba là khoảng 21.000 người.

Thúy Nga