Lợi ích và thách thức song hành

Việt Nam tham gia vào tiến trình hợp tác tài chính khu vực trong nhiều lĩnh vực như: chia sẻ thông tin, đối thoại chính sách và giám sát kinh tế; tham gia các thỏa thuận tài trợ quốc tế, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế trong nước; tăng cường cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô thông qua các cơ chế đối thoại chính sách kiểm điểm kinh tế vĩ mô và công cụ đối phó, ngăn ngừa khủng hoảng. Các công cụ tài chính khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của các nước thành viên dễ dàng huy động vốn trên thị trường trái phiếu khu vực; tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Hợp tác tài chính giữa các thành viên trong khu vực ASEAN và ASEAN+3 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính bền vững, sự phát triển của hệ thống tài chính.
Hợp tác tài chính giữa các thành viên trong khu vực ASEAN và ASEAN+3 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính bền vững, sự phát triển của hệ thống tài chính.

Các công cụ tài chính khu vực hỗ trợ các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hoạt động tài trợ hướng tới các dự án xanh, thân thiện với môi trường, các dự án có mục tiêu xã hội. Sáng kiến Trái phiếu xanh (TPX) trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Phát triển thị trường vốn ASEAN, với bộ 3 tiêu chuẩn gồm: Tiêu chuẩn TPX ASEAN (ASEAN GBS), Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN (ASEAN SBS) và Tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN (ASEAN SUS), dự kiến sẽ hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của các nước thành viên. Sáng kiến này khuyến khích các nước thành viên ASEAN gắn nhãn “Tiêu chuẩn ASEAN” để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cân nhắc, xem xét đầu tư vào các sản phẩm TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững ASEAN; qua đó thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn của khu vực tư nhân cho các dự án xanh, bền vững cho môi trường.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hợp tác khu vực nhưng cũng sẽ chịu nhiều tác động trước sự biến động của kinh tế toàn cầu, như: sự thay đổi chính sách kinh tế của các nền kinh tế lớn và rủi ro địa chính trị, thách thức biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quá trình hội nhập bên cạnh việc mang lại các cơ hội về phát triển thị trường cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Định hướng phát triển các công cụ hợp tác tài chính

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn về hợp tác tài chính ASEAN+3 cũng như nhận định khả năng tham gia của Việt Nam, một số khuyến nghị về định hướng tăng cường hiệu quả cũng như nghiên cứu thêm các hướng phát triển mới của các sáng kiến - công cụ tài chính, bao gồm: tăng cường hiệu quả của đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM).

Thỏa thuận CMIM là thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng USD của khu vực ASEAN+3, với quy mô cam kết 240 tỷ USD được thực hiện thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương thành viên nhằm giải quyết khó khăn khẩn cấp về cán cân thanh toán và thanh khoản USD trong ngắn hạn. Để tăng cường tính thực tiễn khi triển khai thỏa thuận, cũng như nâng cao khả năng phối hợp giữa các chương trình hỗ trợ của CMIM với các chương trình tương tự của các tổ chức quốc tế khác, việc thử nghiệm quy trình giao dịch hoán đổi bằng tiền thật cần được tiến hành trong thời gian tới, với mục đích đánh giá mức độ sẵn sàng của các nước thành viên trong tình huống xảy ra khủng hoảng và Thỏa thuận CMIM được kích hoạt.

Đóng góp bằng đồng nội tệ sẽ giảm gánh nặng cho các nước cho vay trong CMIM

Cơ chế đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) hiện hành là hỗ trợ thanh khoản USD trong trường hợp khẩn cấp về khó khăn thanh toán, các nước ASEAN+3 đã nhất trí sử dụng USD làm đồng tiền đóng góp trong CMIM. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khu vực vẫn còn phải đối mặt với tác động lan tỏa từ Mỹ do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính; đồng thời đóng góp bằng đồng nội tệ vào Quỹ CMIM cũng sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD. Mặt khác, hội nhập kinh tế và tài chính khu vực đã trở nên ngày càng sâu rộng và sử dụng đồng nội tệ trong khu vực đang là xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Đóng góp bằng đồng nội tệ được cho là sẽ giảm gánh nặng cho các nước cho vay.

Để tăng cường tính hiệu quả của Thỏa thuận CMIM trong thời gian tới, công cụ này cần được gia tăng số lần thử nghiệm bằng tiền thật trong nhiều tình huống mô phỏng, kịch bản khác nhau, với các thể thức cho vay, nước cho vay, đi vay, số tiền hoán đổi khác nhau để có thể kịp thời xử lý và ứng phó khi tình huống xảy ra khủng hoảng thực diễn ra.

Đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối. Khi tham gia các chương trình thử nghiệm bằng tiền thật trong khuôn khổ Thỏa thuận CMIM, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo các quy định sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Về công cụ TPX, cho đến nay vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý cụ thể quy định và hướng dẫn cho việc phát hành và sử dụng TPX tại Việt Nam. Các yếu tố cần nghiên cứu để đưa vào các văn bản cụ thể liên quan đến TPX thời gian tới bao gồm: khái niệm về TPX; danh mục các ngành mà TPX tài trợ; những chủ thể được phép phát hành TPX; thủ tục để xin phát hành TPX; công tác phát hành cũng như các nguyên tắc trong quá trình sử dụng và quản lý nguồn thu từ phát hành TPX; quy định khuyến khích các cơ quan ban ngành có liên quan có biện pháp hỗ trợ sự phát triển của TPX; các tiêu chuẩn của riêng Việt Nam trong việc xác định TPX, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ TPX; các nguyên tắc liên quan đến TPX cũng cần được cụ thể hóa, chi tiết hóa để chủ thể phát hành TPX tuân thủ; yêu cầu minh bạch thông tin liên quan đến việc phát hành và sử dụng nguồn quỹ từ TPX.

Thách thức của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ

Trong khuôn khổ Hợp tác tài chính ASEAN+3, một số sáng kiến đã được đề xuất và triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu khu vực gồm: Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF), Diễn đàn thị trường trái phiếu châu Á (ABMF).

Trong khuôn khổ các sáng kiến đã triển khai này, nhiều nội dung hợp tác đã được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát thị trường vốn; hỗ trợ chính sách, công cụ liên quan đến thúc đẩy cung cầu trái phiếu bằng đồng nội tệ; xây dựng hạ tầng thị trường trái phiếu; hài hòa thể chế và thông lệ quản lý giám sát thị trường vốn đối với các giao dịch trái phiếu qua biên giới.

Tuy vậy, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ cũng đang gặp phải một số thách thức, như dòng vốn vào nhanh làm cho các nền kinh tế chịu thêm sự biến động của thị trường do sự chuyển dịch rủi ro của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua đa dạng hóa danh mục đầu tư và phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực chưa đạt độ sâu và mức độ thanh khoản cần thiết. Cùng với đó là cơ sở nhà đầu tư trong nước hẹp và thiếu các công cụ phòng ngừa đã dẫn tới khả năng hạn chế của thị trường trái phiếu khu vực trong việc hấp thụ các tác động của việc bán tháo tài sản bằng đồng nội tệ của các nhà đầu tư toàn cầu khi có các cú sốc từ bên ngoài.

Trên cơ sở đó, Quỹ đầu tư trái phiếu khu vực ASEAN+3 (thông qua ADB) đã được đề xuất nghiên cứu thành lập. Các nước ASEAN+3 sẽ góp vốn vào quỹ này bằng đồng USD, khi có nhu cầu về đồng USD sẽ được phép thực hiện yêu cầu rút vốn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Quỹ sẽ thực hiện đầu tư vào trái phiếu các nước trong khu vực. Mục tiêu thành lập quỹ để tăng cường thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ trong khu vực và tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ trong khu vực trong danh mục đầu tư của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào trái phiếu chính phủ Mỹ và các nước G7 hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các nước.