Đặc thù phát triển TP.Thủ Đức dưới góc nhìn chuyên gia

Mô hình Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, điểm nhấn quy hoạch tại TP.Thủ Đức. Ảnh: Gia Cư

Tiềm năng gợi mở

Thành phố (TP) Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức (cũ) với diện tích rộng hơn 211km², có quy mô trên 1,1 triệu người.

TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực hạt nhân dẫn dắt nền kinh tế của TP.Hồ Chí Minh. Mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của thành phố và vùng Đông Nam Bộ.

Nhận định từ các chuyên gia, TP. Thủ Đức trong tương lai gần sẽ đóng vai trò là trung tâm đổi mới, sáng tạo lớn nhất Việt Nam. Không những thế, TP. Thủ Đức sẽ là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và mở rộng phát triển các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP. Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân.

Nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định, TP. Thủ Đức đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0 và theo quy hoạch sẽ triển khai tiếp các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới.

“Dự kiến trong khoảng 10 năm tới TP. Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TP. Hồ Chí Minh, khoảng 7% GDP của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ 3 sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội và là thành phố hạt nhân ứng dụng công nghệ cao của cả nước” - Nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Trước và sau khi thành lập, xét về mặt tiềm năng và lợi thế hay còn gọi là “thiên thời, địa lợi” theo cách nói của các chuyên gia, TP.Thủ Đức đã được các cấp lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, các chuyên gia và TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, chỉ rõ và đánh giá một cách thấu đáo kể cả trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất hiện nay là làm gì và làm thế nào để phát triển TP.Thủ Đức xứng tầm với tiềm năng cũng như kỳ vọng đã đề cập.

Cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù

Đánh giá về cách tiếp cận đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Thủ Đức trước khi được Trung ương thẩm định, Quốc hội thông qua, mới đây, các chuyên gia cho rằng, TP. Thủ Đức cần có cách tiếp cận khác, phải nêu bật được sự đột phá. Trong đó, phải cho thấy TP. Thủ Đức như hình mẫu phát triển của quốc gia trong thời đại kinh tế số, thời đại của công nghệ cao. Cùng với đó, TP. Thủ Đức phải định vị được vai trò của mình đối với TP. Hồ Chí Minh để được ưu tiên tối đa về cơ chế và nguồn lực.

Theo TS. Trần Du Lịch, nếu nhìn TP. Thủ Đức như một động lực phát triển với tất cả lợi thế, xét về tiềm năng, vị trí và cơ hội thì cần có một sự đột phá về tư duy phát triển. Ở đó, không chỉ phát triển về kinh tế - xã hội mà còn phải là một hình mẫu về đô thị hiện đại và hiệu quả quản lý của mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, ngoài các thuận lợi về vị trí địa lý và các trụ cột phát triển, TP. Thủ Đức cần có được các rào cản.

Cụ thể là tình trạng chiếm hữu đất đai và đầu cơ đất để “thổi giá đất” trên địa bàn; sự phát triển các khu dân cư tự phát trong những năm qua dẫn đến tình trạng “da beo” về quỹ đất, gây khó khăn cho công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Thủ Đức còn tồn tại nhiều dự án chưa giải quyết xong, việc khiếu kiện của người dân ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án mới. Trong khi đó, TP. Thủ Đức có quy mô kinh tế chiếm đến 7% GDP của cả nước nhưng về cơ chế quản lý cũng không khác một quận được ghép lại từ 3 quận trước đây.

Nhìn nhận về tiềm năng bất động sản, theo các chuyên gia, TP. Thủ Đức nên đột phá bằng “phá băng” bất động sản. Theo thống kê, TP Thủ Đức đang bị “đóng băng” khoảng 60% nguồn vốn, nằm trong 172 dự án ách tắc. Do đó, cần tháo gỡ từng dự án một, ưu tiên trước hết là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đồng thời quan tâm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái dựa vào địa hình ven sông…

Đặc thù phát triển TP.Thủ Đức dưới góc nhìn chuyên gia
Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu trao đổi với các chuyên gia. Ảnh: Gia Cư

Tích hợp từ những lý do trên các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, TP. Thủ Đức phải sớm có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thuận lợi nhất. Phải có những đề xuất để tăng tính tự chủ trong công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư; tự chủ về ngân sách và tự chủ tổ chức bộ máy công chức nhằm tạo động lực cho cán bộ làm việc.

Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện TP Thủ Đức đang xây dựng nghị quyết trình Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết có đề cập đến một số chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối trên địa bàn.

Cùng với đó, ngoài hình thành, phát triển trung tâm kinh tế - tài chính, TP. Thủ Đức cũng sẽ có trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật; đồng thời xin cơ chế để chủ động giải quyết nhanh chóng những nhu cầu và các vấn đề lớn của địa phương./.

Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP.Hồ Chí Minh cũng đã mời các đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia xây dựng đồ án quy hoạch chung của TP.Hồ Chí Minh và TP. Thủ Đức, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, quy hoạch đô thị của TP. Thủ Đức là đô thị xanh, đô thị sáng tạo và định hướng phát triển của TP Thủ Đức là khu vực kinh tế trọng điểm, có các chức năng bổ trợ cho TP. Hồ Chí Minh, cùng nhau phát triển để tạo ra những giá trị gia tăng mới.