Đấu thầu vàng và những yếu tố tỷ giá
Tình trạng lượng cung hạn chế và giá vàng miếng SJC luôn được giao dịch với mức giá cao hơn rất nhiều so với những loại vàng khác. Ảnh tư liệu

Đấu thầu vàng kết hợp kiểm soát thị trường

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đã có Văn bản số 3003/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP; nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng NHNN trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng cho biết, một trong những giải pháp của NHNN thời gian tới là thực hiện tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Như vậy, việc NHNN “tái khởi động” giải pháp đấu thầu vàng đồng nghĩa chấm dứt tình trạng số lượng vàng miếng SJC bị bó cứng trong cả một giai đoạn dài. Trước đó, việc đấu thầu vàng miếng được thực hiện trong năm 2013, nhưng sau đó đã dừng lại. Từ đó đến nay, số lượng vàng miếng SJC trên thị trường không được sản xuất thêm nữa dẫn đến tình trạng lượng cung hạn chế và giá vàng miếng SJC luôn được giao dịch với mức giá cao hơn rất nhiều so với những loại vàng khác dù có cùng tuổi vàng như nhau.

Cùng với giải pháp tái khởi động việc dập thêm vàng miếng SJC và đưa lên sàn đấu thầu cung ứng ra thị trường, NHNN cũng đang tiếp tục thực hiện nhiều giải khác để thể hiện quyết tâm bình ổn thị trường vàng. Ông Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đang đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023… Trong đó, cơ quan này cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Mối liên hệ với tỷ giá

Tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 11/2023

Việc tăng cung vàng miếng thông qua giải pháp đấu thầu vàng được kỳ vọng sẽ giúp làm hạ nhiệt thị trường vàng, đặc biệt có thể giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng với các loại vàng khác cũng như chênh lệch với giá thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là để để có vàng đấu thầu, NHNN sẽ phải chi ngoại tệ ra nhập khẩu vàng nguyên liệu, sau đó dập thành vàng miếng đưa ra đấu thầu. Thực tế này dẫn đến một số ngại cho rằng, việc chi ngoại tệ nhập khẩu vàng rất có thể gây ra các ảnh hưởng làm tăng tỷ giá.

Trong khi đó, tỷ giá cũng đang là một đề tài gây chú ý trên thị trường tài chính thời gian gần đây. Tỷ giá đã có xu hướng tăng trong quý I/2023 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4/2023. Đến thời điểm hiện tại, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại cũng đã vượt mốc trên 25.400 đồng/USD. Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực tỷ giá thời gian qua đến từ nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài.

Yếu tố bên ngoài do sự “trỗi dậy” của giá đồng USD trên thị trường quốc tế, do ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ lùi kế hoạch hạ lãi suất. Sau khi các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ được công bố trong tháng 4, các công cụ dự báo về hành động của FED chuyển trạng thái về kịch bản FED sẽ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 6/2024 theo dự báo cũ, sang khoảng tháng 9/2024.

Trong khi đó, yếu tố bên trong gây áp lực lên tỷ giá đến từ sự phục hồi của nền kinh tế. Các doanh nghiệp đã bắt đầu có những động thái phục hồi thị trường xuất khẩu và đã tiêu thụ bớt hàng tồn kho dẫn đến gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho các chu kỳ sản xuất kinh doanh mới.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, áp lực tỷ giá thời điểm này tuy có, nhưng cũng là yếu tố tạm thời. TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào chu kỳ tạm nhập tái xuất. Do đó, nhu cầu nhập khẩu tăng có thể tạo áp lực tỷ giá trong một thời gian nào đó, nhưng sau đó lượng hàng đó chuyển sang giai đoạn tiêu thụ xuất khẩu sẽ chuyển sang trạng thái thu ngoại tệ trở lại.

Ngoài ra, tỷ giá tăng thời gian qua tuy là yếu tố đáng quan tâm, nhưng diễn biến này chưa thực sự quá “nghiêm trọng”, bởi tỷ giá tăng (đồng nghĩa với đồng VND mất giá so với USD) nằm trong xu hướng của toàn cầu, chứ không phải do đồng tiền Việt Nam bị suy yếu. Cụ thể, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD hiện đã vượt mức 106 điểm. So với thời điểm đầu năm 2024, chỉ số DXY đã tăng khoảng hơn 5%, tương ứng với đồng tiền này đã tăng giá khoảng 5% so với 6 đồng tiền chủ chốt khác của thế giới (Euro châu Âu, Yên Nhật, Bảng Anh, Đô la Canada, Krona Thụy Điển, Franc Thụy Sỹ).

Trong khi đó, tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay chỉ tăng khoảng 4,9%. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, 4,9% thực là mức tăng thấp so với mức tăng 5% của DXY so với 6 ngoại tệ trên vì còn phải so sánh trên cơ sở quy mô của nền kinh tế của ta rất nhỏ so với các quốc gia có đồng tiền tệ nêu trên.

Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho vàng trang sức

Bên cạnh việc thực hiện tăng cung cho vàng miếng, NHNN cũng thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục theo hướng tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.