Đẩy mạnh phân cấp, tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển
Dự thảo luật góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Ảnh tư liệu.

PV: Thưa ông, một trong những nội dung mới rất được quan tâm của dự thảo Luật là về xác định phạm vi quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với chủ trương quản lý theo dòng vốn. Xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?

Ông Phạm Duy Long: Xác định phạm vi đầu tư, quản lý vốn tại doanh nghiệp với chủ trương quản lý theo dòng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là một nội dung rất cơ bản của dự thảo luật. Theo đó, chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư sẽ thực hiện quản lý vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp, thông qua các cơ quan đại diện sở hữu. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thay mặt nhà nước để quản lý, giám sát cái dòng vốn nhà nước sau hoạt động đầu tư.

Còn các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp sẽ thực hiện quản lý dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp khác, Nhà nước sẽ không trực tiếp can thiệp vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư khác hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật chung về doanh nghiệp.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bám sát tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt là phân cấp mạnh hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu. Ví dụ như công tác nhân sự, hiện nay theo Luật số 69, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhân sự ở khoảng 28 doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập.

Tuy nhiên, tại dự thảo luật chúng tôi đề xuất đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thủ tướng dự kiến sẽ chỉ quyết định nhân sự Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty ở 9 doanh nghiệp là tập đoàn, tổng công ty giữ vai trò, vị trí nòng cốt, quản lý hạ tầng quốc gia, danh sách cụ thể do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

Hay về mức phân cấp, theo quy định hiện nay, việc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó cơ quan đại diện chủ sở hữu mới quyết định đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp. Tại dự thảo luật đề xuất phân cấp theo hướng nếu đầu tư trực tiếp từ ngân sách thì từ trên 20.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội. Từ mức 5.000 tỷ đồng trở xuống là do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, không phải báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương. Trong khoảng từ 5.000 tỷ đồng đến 20.000 tỷ đồng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

PV: Trong quá trình góp ý, có ý kiến đề xuất quy định mức phân cấp theo cả số vốn tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm vốn để phù hợp với thực tiễn hoạt động doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Đẩy mạnh phân cấp, tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển

Ông Nguyễn Duy Long: Như tôi đã trình bày, từ việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 12, chúng tôi đề xuất không xác định cụ thể lĩnh vực, ngành nghề mà việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ trong từng thời kỳ, đảm bảo phát huy hiệu quả kinh tế cũng như phát triển những ngành mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp…

Từ việc xác định mục tiêu đầu tư như vậy thì việc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định từ 5.000 tỷ đồng trở xuống sẽ đảm bảo đủ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Qua một số tọa đàm, có ý kiến đề nghị quy định ở số tuyệt đối hoặc tỉ lệ phần trăm. Tại dự thảo chúng tôi cũng xác định sẽ có hai “van” điều chỉnh. Một là số tuyệt đối, hai là tỷ lệ 50% vốn điều lệ. Sau này, khi luật được Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét thông qua thì chắc chắn phải có quá trình xác định lại vốn điều lệ ở các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp có vốn nhà nước bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Khi đó, mức phân cấp 50% vốn điều lệ, khác so với hiện nay của Luật số 69 là 50% vốn chủ sở hữu, sẽ phù hợp trong thực tế.

Tại Luật số 69 hiện quy định doanh nghiệp, hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên được quyết định các dự án đầu tư có mức vốn không quá 50% vốn chủ sở hữu nhưng không vượt quá dự án đầu tư công nhóm B. Dự án đầu tư công nhóm B thì tùy từng lĩnh vực, mức đầu tư phân cấp từ 45 tỷ đến 2.300 tỷ đồng. Tại dự thảo luật, chúng tôi đã tính toán, đề xuất mức là từ 1.000 tỷ đồng trở lên mới phải báo cáo cấp có thẩm quyền, còn dưới 1.000 tỷ đồng thì doanh nghiệp chủ động quyết định.

PV: Nội dung về phân phối lợi nhuận sau thuế cũng như mục đích sử dụng lợi nhuận sau thuế cũng đang thu hút nhiều ý kiến của doanh nghiệp. Từ phía cơ quan soạn thảo, xin ông cho biết về cơ sở của các quy định mới này?

Ông Nguyễn Duy Long: Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp. Trong dự thảo luật đề xuất khi phần vốn nhà nước đầu tư từ trên 50% đến 100% thì nhà nước quyết định việc phân phối này. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 50% thì việc phân phối thực hiện theo điều lệ của doanh nghiệp.

Trong trình tự, thủ tục phân phối, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng lợi nhuận sau thuế để chi trả tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu cử đến doanh nghiệp. Vấn đề này khi soạn thảo chúng tôi bám sát tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về tiền lương, theo đó xác định người do cơ quan đại diện chủ sở hữu cử làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp thì sẽ do chủ sở hữu chi trả, nguồn thì do lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến tham gia các đơn vị, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Ở các doanh nghiệp nói chung thì tiền lương của người đại diện, quản lý doanh nghiệp đều hạch toán vào chi phí. Nhưng đây là doanh nghiệp có vốn nhà nước nên có tính đặc thù, do đó mới có phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế để chi trả, theo tinh thần Nghị quyết 27.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tỷ lệ trích quỹ đầu tư phát triển tối đa 80% là phù hợp

Theo ông Nguyễn Duy Long, tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để lại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế lên tối đa 80%. Hầu hết các doanh nghiệp cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu ủng hộ phương án này để đảm bảo cho các doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư. Một phần còn lại để dành nguồn lực cho chủ sở hữu triển khai thực hiện các mục tiêu khác.