tháo gỡ khó khăn Bảo hiểm xe cơ giới

Để tổ chức triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, ngày 28/5/2015, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh triển khai chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới”.

Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Hiệp hội vận tải ô tô các địa phương, các doanh nghiệp vận tải ô tô lớn và các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ra đời xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng cũng như lợi ích riêng của từng người dân. Thời gian qua, Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, Nghị định số 214/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành như Thông tư số 126/2008/TT-BTC và Thông tư số 151/2012/TT-BTC quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của chủ xe và nạn nhân tai nạn giao thông, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Thông qua giải quyết bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã hỗ trợ người bị tai nạn khắc phục được phần nào khó khăn về tài chính, sớm ổn định cuộc sống sau tai nạn. Trong giai đoạn 2009- 2013, các DNBH đã giải quyết bồi thường cho gần 80.000 vụ tai nạn giao thông với tổng số tiền bồi thường là 3.300 tỷ đồng (chưa tính đến các vụ đang giải quyết bồi thường), trong đó bồi thường thiệt hại về người là gần 1.000 tỷ đồng cho hơn 7.700 người bị chết và gần 26.000 người bị thương; bồi thường thiệt hại về tài sản là trên 2.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông nhưng không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm còn được hỗ trợ nhân đạo từ Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam với tổng số tiền là trên 100 triệu đồng.

Thực tế, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới vẫn còn những tồn tại cần phải được nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ như tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, việc giải quyết bồi thường còn chậm. Đặc biệt, mức trách nhiệm, mức phí bảo hiểm chưa phù hợp với thực tế...

Cụ thể, mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người là 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản là 40 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe mô tô, xe máy gây ra và 70 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe ô tô gây ra.

Trong điều kiện giá cả và chi phí tăng cao thì mức trách nhiệm này là tương đối thấp so với thực tế, không đủ để người bị tai nạn (hoặc gia đình người bị nạn) đảm bảo về tài chính, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh khi không may gặp rủi ro, do đó cần nghiên cứu tăng mức trách nhiệm bảo hiểm.

Tại Hội nghị các DN vận tải ô tô kiến nghị nâng mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người lên 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn để đảm bảo khả năng chi trả viện phí; đối với những vụ tổn thất nhỏ (dưới 30 triệu đồng) nên để DNBH và khách hàng tự giải quyết không cần xác nhận của cơ quan công an để giảm thời gian bồi thường, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng.

Hiện mức quy định bồi thường các thương tật do tai nạn đều quy định mức tiền bồi thường tối thiểu, tối đa. Theo đó, nhiều DNBH thường bồi thường mức tối thiểu, DN vận tải kiến nghị cần quy định cụ thể mức bồi thường là bao nhiêu tiền, không nên quy định tối thiểu, tối đa, tránh tình trạng DN chi trả theo mức tối thiểu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp và phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các DNBH đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới phù hợp với thực tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội./.

Tin và ảnh: Hồng Chi