FED "mạnh tay" cắt giảm lãi suất, tác động thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam? Fed có thể hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11

Xoay quanh câu chuyện liên quan đến việc khả năng FED hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày mai 8/11 và những tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và tâm lý nhà đầu tư nói riêng, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng - Chuyên gia Tư vấn đầu tư .

PV: Theo quan điểm của ông, liệu FED có khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống không? Các yếu tố nào sẽ tác động lớn nhất đến quyết định của FED trong thời gian này?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Theo quan điểm cá nhân, việc điều chỉnh lãi suất của FED sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kinh tế và tài chính, trong khi kết quả của cuộc bầu cử chỉ đóng vai trò một phần nhỏ. Ngay trước khi cuộc bầu cử có kết quả, ông Jerome Powell - Chủ tịch của FED - đã tuyên bố quan điểm về việc có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Các yếu tố mà FED thường xem xét để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất cụ thể như sau:

Điều chỉnh lãi suất của FED sẽ tác động đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Tùng

Hiện nay, một trong những lo ngại lớn nhất của kinh tế thế giới là khả năng ông Trump sẽ áp dụng chính sách thuế nhập khẩu mới cho hàng hóa vào Mỹ, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc. Chính sách này kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong nền kinh tế Mỹ, nhưng đồng thời tiềm ẩn rủi ro tăng giá hàng hóa, gây áp lực lên lạm phát Mỹ. Trong trường hợp này, FED sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để điều tiết, cân bằng và duy trì ổn định kinh tế.

Trước hết, FED quan tâm đến mức lạm phát và sự ổn định giá cả. Theo số liệu công bố ngày 10/10/2024, chỉ số CPI hiện đang ở mức 2,4%, khá gần với mục tiêu 2%. Dự kiến FED sẽ hạ thêm 0,25% lãi suất vào ngày 8/11. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế và tình hình thị trường lao động cũng là hai yếu tố quan trọng khác.

Yếu tố tài khóa và chính trị cũng đóng vai trò không nhỏ. Sau cuộc bầu cử, nếu có sự thay đổi trong chính sách tài khóa, chẳng hạn như triển khai các gói kích cầu hoặc gia tăng chi tiêu công, FED có thể điều chỉnh lãi suất để phản ứng kịp thời. Một gói kích thích lớn - bơm lượng tiền lớn vào lưu thông - có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại, buộc FED phải tăng lãi suất ngắn hạn để kiểm soát.

PV: Ông nghĩ rằng việc FED thay đổi lãi suất sau cuộc bầu cử sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động như thế nào và tại sao?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Trước hết, về mặt tâm lý nhà đầu tư, thị trường toàn cầu thường có phản ứng tích cực khi FED hạ lãi suất và ngược lại. Điều này phần nào thể hiện qua việc ngay khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, dù quyết định về lãi suất chỉ có vào ngày 8/11, thị trường chứng khoán Việt Nam và cả Dow Jones đã phản ứng tích cực. Dòng tiền đổ vào các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, do kỳ vọng rằng đây là lĩnh vực sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh chính sách mới.

Thứ hai là tác động đến dòng vốn ngoại. Trong năm 2022, khi lạm phát tăng cao và FED bắt đầu tăng lãi suất, khối ngoại đã có xu hướng rút vốn do tỷ suất sinh lời ở thị trường quốc tế trở nên kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư trong nước. Tuy nhiên, với kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất, thị trường có thể chứng kiến sự quay trở lại của dòng vốn ngoại, tạo thanh khoản dồi dào hơn.

Nguồn vốn ngoại này không chỉ giới hạn ở các hoạt động trading trên thị trường chứng khoán, mà còn có khả năng đổ vào các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành khu công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, việc FED hạ lãi suất cũng sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp có mức sử dụng vốn vay lớn, vì chi phí lãi vay sẽ giảm đi đáng kể, giúp cải thiện kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể gặp bất lợi, đặc biệt là trong quý IV sắp tới khi kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng do áp lực từ thuế nhập khẩu.

PV: Về dài hạn, nếu FED tiếp tục xu hướng tăng hoặc duy trì lãi suất ở mức cao, ông có nhận thấy những thách thức hay cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam không?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Theo cá nhân tôi, khả năng FED tiếp tục xu hướng tăng lãi suất hoặc duy trì mức lãi suất cao là khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường lao động Mỹ đã có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 4%. Trong môi trường lãi suất cao, việc đầu tư nhìn chung sẽ gặp nhiều thách thức.

Điều chỉnh lãi suất của FED sẽ tác động đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam
Thị trường tràn ngập sắc xanh khi VN-Index tiếp tục tăng 2,79 điểm trong phiên giao dịch sáng ngày 7/11/2024. Nguồn: KBSV.

Đầu tiên, lãi suất cao có thể khiến dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường, đặc biệt là các thị trường mới nổi như Việt Nam. Áp lực tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và đồng Việt Nam cũng có khả năng ảnh hưởng mạnh đến chính sách tiền tệ trong nước. Các biện pháp như tăng lãi suất và hút tín phiếu để giữ ổn định thị trường đã được áp dụng, nhưng điều này cũng tạo thêm áp lực lên nền kinh tế.

Nhìn lại giai đoạn năm 2022, khi FED bắt đầu chuỗi tăng lãi suất và kết hợp với việc nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhóm thủy sản đã ghi nhận những đợt tăng trưởng ấn tượng, tăng từ 2-3 lần giá trị. Điều này cho thấy rằng, dù trong bối cảnh thách thức, vẫn có những cơ hội đầu tư đáng lưu ý.

Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư nói chung cũng chịu ảnh hưởng lớn trong bối cảnh lãi suất cao, khi dòng vốn vào các kênh đầu tư trở nên ít hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn tồn tại một số cơ hội đầu tư. Cụ thể, nhóm xuất nhập khẩu có thể được hưởng lợi từ việc tỷ giá cao, nhờ vào lợi thế khi bán hàng và thu về ngoại tệ.

PV: Với nền kinh tế hiện tại và các động thái của FED, ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư trong nước để thích ứng với những biến động có thể xảy ra?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Đầu tư theo dòng sự kiện đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỹ năng giao dịch tốt và phản ứng nhanh trước những biến động thị trường. Nhà đầu tư có thể nhận thấy rằng, trong các phiên giao dịch khi có tin tức, biên độ giá thường khá rộng và nhiều cổ phiếu có xu hướng đảo chiều, tăng trần một cách đột ngột, khiến cơ hội mua vào trở nên hạn hẹp.

Hiện tại, đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục hoặc giải ngân vào các ngành thu hút dòng tiền, như chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ và bất động sản.

Nhóm chứng khoán được đánh giá khả quan nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ký quỹ, và việc nâng hạng thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ diễn ra vào khoảng năm 2026-2027. Dòng vốn ngoại đang dần quay trở lại thị trường trong bối cảnh FED dự kiến hạ lãi suất trong hai năm tới, điều này sẽ giúp tăng thanh khoản trên thị trường và mang lại triển vọng tích cực.

Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng là điểm sáng với tỷ lệ lấp đầy luôn ổn định và giá thuê dự báo sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới. Tính đến ngày 31/10/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn thực hiện tăng 8,8%, tạo nên môi trường thuận lợi cho kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang có lợi thế cạnh tranh nhờ giá thuê đất hấp dẫn so với các khu vực lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Ngoài ra, việc tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sắp hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối các khu công nghiệp với các cảng lớn, thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này. Hợp đồng thuê mới từ các nhà đầu tư mở rộng quy mô sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp.

PV: Xin cảm ơn ông!