PV: Trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao. Ông đánh giá gì về những nỗ lực của liên Bộ Công thương - Tài chính trong việc điều hành và giữ giá xăng dầu không tăng quá mạnh như mức tăng của giá thế giới?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Liên Bộ Công thương - Tài chính đã có nhiều nỗ lực trong việc điều hành và giữ giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.

Điều hành hiệu quả giá xăng dầu làm giảm áp lực lạm phát
TS. Nguyễn Đình Chiến

Cụ thể, liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 đến 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nhờ đó, mức tăng giá xăng dầu trong nước chậm hơn so với mức tăng giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới.

Cùng với đó, Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, từ 0 giờ ngày 11/7, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu đã về mức sàn trong Biểu khung thuế Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đã góp phần làm giá xăng dầu trong nước giảm nhẹ so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới, góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định giá cả.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Trong năm 2022, trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, căn cứ vào diễn biến thực tế từng thời điểm, Bộ Tài chính đã và đang chủ động nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt… Từ góc độ chuyên gia, ông có trao đổi gì thêm về việc này?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc mức giá xăng dầu vẫn neo ở mức cao sẽ kéo theo giá cả của lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Do đó, với mục tiêu cốt yếu là giảm sâu hơn nữa giá xăng dầu trong nước nhằm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, việc giảm các khoản thuế đối với mặt hàng này là cần thiết qua đó giúp giá cả ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng.

Hiện tại, ngoài thuế bảo vệ môi trường đã được giảm xuống mức sàn trong biểu khung thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, để giảm giá xăng dầu, có thể tiếp tục điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Điều hành hiệu quả giá xăng dầu làm giảm áp lực lạm phát
Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, tác động mạnh đến chỉ số lạm phát.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, có thể khẳng định, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm, nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là sắc thuế gián thu, cấu thành vào giá cả của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (trên số thuế phải nộp) thực tế sẽ không trực tiếp có tác dụng làm giảm giá bán, người tiêu dùng không được hưởng lợi từ việc giảm thuế này. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nên thực hiện bằng việc giảm thuế suất sẽ tác động trực tiếp đến giá cả và quyền lợi của người tiêu dùng, giúp giá cả giảm xuống, góp phần hạ chi phí nguyên liệu đầu vào, giá thành sản phẩm, kiểm chế lạm phát... Vấn đề là mức giảm thuế suất đến mức nào so với hiện tại cần được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng.

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế này áp dụng thuế suất 10% đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ, trong đó có các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là mức thuế suất phổ thông hiện nay. Đồng thời, Luật thuế GTGT không có quy định về miễn, giảm thuế. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cũng không áp dụng giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trong đó có xăng). Do đó, nếu vẫn giữ nguyên thuế GTGT như hiện tại và giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có tác dụng làm giảm giá tính thuế GTGT, thuế GTGT và giá thanh toán đối với xăng. Nếu xem xét giảm thuế GTGT đối với xăng dầu, cũng có thể quy định giảm mức thuế suất đối với mặt hàng này.

Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu lớn hơn

“Việc giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu sẽ làm giảm thu ngân sách từ khoản thuế này, nhưng sẽ có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu lớn hơn từ các khoản thuế khác.” - TS. Nguyễn Đình Chiến.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu giảm sẽ có tác động lan tỏa lớn giúp cho chỉ số giá tiêu dùng giảm theo và là biện pháp chống lạm phát hiệu quả. Ý kiến ông về điều này thế nào?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, giá cả hàng hóa, dịch vụ, tác động mạnh đến chỉ số lạm phát. Có các nghiên cứu đã tính toán giá xăng dầu tăng 30% - 40% thì lạm phát sẽ tăng từ 1% đến 1,2%. Do đó, giá xăng dầu giảm sẽ có tác động lan tỏa lớn giúp cho chỉ số giá tiêu dùng giảm theo và là biện pháp chống lạm phát hiệu quả.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, với mức tăng giá cao của xăng dầu, cùng với những điều chỉnh liên quan đến giá xăng dầu nói trên, các chỉ tiêu về CPI, lạm phát cũng có tác động đáng kể. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ 2021. Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%) và biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Việc điều hành giá xăng dầu cùng với các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu sẽ góp phần hiệu quả, tích cực trong ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng của nước ta đạt được mục tiêu dưới 4%.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giảm thuế nhập khẩu giúp giảm giá xăng trong nước

TS. Nguyễn Đình Chiến cho hay, về thuế nhập khẩu, ngày 8/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống 10%. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo lần 2 Nghị định về Biểu thuế MFN đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất đối với các mặt hàng chế phẩm xăng chế biến từ dầu mỏ, nhưng có chỉ số octan khác xăng động cơ và được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hoặc các ngành công nghiệp như pha sơn hay pha xăng bằng với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng không pha chì là 10% (hiện tại đang ở mức 20%).

Nếu đề xuất này được thông qua, cùng với mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0%, sẽ có tác dụng làm giảm giá xăng trong nước, tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.