Đòn bẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Các viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần và doanh nghiệp đặt hàng. Ảnh minh họa

Cú huých chính sách cho đổi mới sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học và công nghệ phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 193/2025/QH15 (Nghị quyết số 193) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là một bước ngoặt lớn, tháo gỡ cơ bản những rào cản về cơ chế quản lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Nhiệm vụ cần thiết để khuyến khích đổi mới, sáng tạo

Việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thời gian vừa qua đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và ngày càng chặt chẽ, dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này còn có sự lúng túng, chậm, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý tài sản công để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ là đòi hỏi cần thiết.

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, trước đây, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ năm 2018) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định khá chặt chẽ việc xử lý tài sản hình thành thông qua hoạt động khoa học và công nghệ. Tại Điều 105 của Luật này, tài sản được chia thành hai nhóm gồm tài sản thuộc phạm vi Luật Sở hữu trí tuệ và tài sản thuộc phạm vi Luật Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, cách thức xử lý còn nhiều rườm rà, yêu cầu phải giao quyền sử dụng, định giá tài sản, xác định giá trị còn lại… đã gây không ít khó khăn, cản trở quá trình thương mại hóa và ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Nghị quyết số 193 đã tạo ra cơ chế đặc thù mang tính đột phá khi cho phép tổ chức chủ trì nhiệm vụ được quyền quản lý, sử dụng và sở hữu quyền tài sản đối với kết quả nghiên cứu mà không cần thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp. Đặc biệt, đối với tài sản trang bị (thiết bị nghiên cứu…), sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được xác định là tài sản nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng mà không phải thực hiện thủ tục giao quyền như trước.

Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự linh hoạt và phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ, vốn đòi hỏi sự sáng tạo, chủ động và nhanh nhạy trong ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Sửa luật để tạo nền tảng pháp lý ổn định và lâu dài

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, mặc dù Nghị quyết số 193 đã mang lại cú huých tích cực cho hoạt động khoa học, công nghệ, nhưng về bản chất đây vẫn chỉ là cơ chế thí điểm, chưa mang tính ổn định lâu dài. Để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng loại bỏ những quy định không còn phù hợp và cập nhật những nguyên tắc mới trong quản lý tài sản hình thành từ triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung nội dung: “Việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ”. Đồng thời, đề xuất bãi bỏ Điều 105 của Luật để bảo đảm thống nhất với quy định mới, tránh chồng chéo, mâu thuẫn pháp lý.

Bên cạnh đó, một số điều khoản có liên quan như khoản 10 Điều 3 và điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng được kiến nghị sửa đổi theo hướng loại bỏ cụm từ “nhiệm vụ khoa học và công nghệ”, giúp làm rõ phạm vi điều chỉnh, tránh gây hiểu nhầm hoặc chồng lấn với các luật chuyên ngành.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc hiện tại, mà còn hướng tới việc tạo hành lang pháp lý ổn định, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, từ đó khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học mạnh dạn đầu tư vào hoạt động đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và đổi mới sáng tạo cũng cho rằng, sự thay đổi chính sách quản lý tài sản khoa học công nghệ là rất cần thiết. Đặc biệt, việc bãi bỏ Điều 105 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là hợp lý, giúp các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ được chủ động trong việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Có thể thấy, cùng với tiến trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức, việc đổi mới thể chế quản lý tài sản công trong lĩnh vực khoa học, công nghệ là một yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết số 193/2025/QH15 đã mở ra cánh cửa, nhưng để đi xa và bền vững, cần có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, ổn định, được luật hóa một cách đồng bộ và rõ ràng. Và việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng linh hoạt, thân thiện với đổi mới sáng tạo là một bước đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc biến khoa học, công nghệ trở thành động lực chính của phát triển đất nước.

Phải thay đổi mạnh mẽ tư duy để tận dụng cơ hội phát triển

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành vào ngày 22/12/2024, hầu hết các nhà khoa học đã bày tỏ sự phấn khởi, kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH. Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã tạo ra một cơ chế rất rõ ràng để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng để tận dụng được cơ hội này thì bản thân các viện nghiên cứu công lập cũng phải thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách làm việc.

Do đó, các viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần và doanh nghiệp đặt hàng chứ không phải những thứ mà các viện có thể làm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phải tự chủ hơn trong nghiên cứu như: chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ, hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm của mình, thay vì chỉ phụ thuộc vào các đề tài nhà nước đặt hàng.

Còn theo TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để tận dụng được cơ hội của Nghị quyết số 57-NQ/TW, các viện nghiên cứu công lập cần xây dựng kế hoạch (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh, nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu hút, sử dụng và trọng dụng nhân tài; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu chuyên sâu... Bên cạnh đó, cần tạo lập mối quan hệ hợp tác, liên kết nhà nước - doanh nghiệp với tư cách là cơ quan đặt hàng để chuyển hóa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần gia tăng thu nhập và nâng cao năng lực thực chiến cho cán bộ nghiên cứu.