Chiều 13/6, trong lúc Ban Chỉ đạo điều hành giá họp bàn về điều hành giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thì từ 15 giờ, mỗi lít xăng tăng 800-880 đồng, thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, giá xăng dầu trong nước mặc dù đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn so với giá thế giới, do đã thực hiện nhiều giải pháp về giảm thuế, xả quỹ...
Tăng đến hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, giá xăng dầu, mặt hàng đầu vào của nền kinh tế đã tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao do sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện vẫn vượt ngưỡng 100 USD/thùng, ngày 2/6/2022 ở mức dầu WTI là 116,870 USD/thùng, dầu Brent là 117,610 USD/thùng.
![]() |
Tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn thế giới. Ảnh: TL. |
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành 1/6/2022 biến động tăng từ 45,87% đến 63,69% so với đầu năm 2022 và tăng 77,11-103,72% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới thông qua việc sử dụng các công cụ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Luật Giá và Nghị định 95/2021/NĐ-CP.
Trong đó, Bộ Công thương đã áp dụng các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý; đồng thời, công cụ Quỹ BOG được sử dụng linh hoạt để bình ổn thị trường tại các kỳ điều hành (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, phục vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 điều chỉnh giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến năm 2022 để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 điều chỉnh giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết năm 2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Tài chính hiện cũng đang nghiên cứu phương án điều chỉnh thuế bổ sung để báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Qua thống kê, tính đến ngày 1/6/2022 đã có 14 kỳ điều hành giá xăng dầu. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 1/6/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng từ 4.539 – 8.208 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 27,74% - 47,89%.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, chúng ta kiểm soát được như hiện nay là thành công, tuy nhiên, dư địa từ nay đến cuối năm không còn nhiều.
Đối với xăng dầu, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá xăng dầu trong nước tăng do giá thế giới tăng quá cao, nhưng liên Bộ Công thương- Tài chính đã linh hoạt điều hành bằng nhiều biện pháp. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng của giá thế giới.
Dự báo giá xăng dầu cả năm tăng cao, khoảng 130-140 USD/thùng
Trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung xăng dầu trong nước có thời điểm bị ảnh hưởng do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổngcung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 2 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Theo Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu trong nước dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn từ biến động về giá và nguồn cung trên thị trường thế giới trong thời gian tới.
Bộ Công thương dự báo, giá bình quân các mặt hàng xăng (RON92, RON95) và dầu diesel thành phẩm trên thị trường thế giới quý III/2022 sẽ ở mức 145-155 USD/thùng (tăng 73% – 100% so với cùng kỳ năm 2021) và cả năm 2022 ở mức 130-140 USD/thùng (tăng từ 66% - 90% so với năm 2021).
Do đó, Nhóm giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị Bộ Công thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho quý III và cuối năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ để sớm trình Chính phủ chính sách giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Về phía các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố nơi có đường biên giới tăng cường công tác chống buôn lậu trong trường hợp giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước khi có sự điều chỉnh chính sách về thuế để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, xăng dầu là mặt hàng góp phần tăng giá CPI nhiều nhất từ đầu năm đến nay, nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu. Trong đó, đảm bảo nguồn cung từ sản xuất trong nước cũng như lên kế nhập khẩu phù hợp; đồng thời sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh để tăng quá cao ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân./.