Ngành nghề thiên hướng công nghệ số

Dẫn đầu trong số này được cho là các nhóm ngành, nghề như: công nghệ thông tin; quản trị mạng; lập trình, cơ điện, điện tử; điện lạnh, công nghệ ô tô...

Theo ông Mai Hoàng Lộc - Trưởng khoa Công nghệ thông tin - tự động hóa (Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành), nhóm ngành công nghệ thông tin vẫn đang được doanh nghiệp đặt hàng khá nhiều. Học sinh học xong ra trường có việc làm ngay.

Trong đó nghề sửa chữa, lắp ráp máy tính là những ngành nghề phổ biến trong nhóm ngành công nghệ thông tin, chuyên về phần cứng và ứng dụng nghề rất đa dạng. Điểm đặc biệt là hệ trung cấp đào tạo từng nghề riêng biệt nên sinh viên chỉ mất 1,5 - 2 năm học có thể ra nghề, tính ứng dụng cao nên có thể làm được việc ngay, thu nhập ổn định từ sớm.

Về nhu cầu nhân lực ngành này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP. Hồ Chí Minh đánh giá, nguồn đào tạo của các trường không theo kịp nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp.

"Theo tôi ngay từ khi học sinh học THCS các em cần được dạy và định hướng về nghề nghiệp tương lai. Điều này giúp ích rất nhiều cho công việc tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau này. Việc lựa chọn nghề nghiệp phải xuất phát từ sở thích, đam mê, tố chất của các em, dựa trên sự phân tích nhu cầu của xã hội về các ngành nghề này trong tương lai. Có như vậy mới hút được lao động vào học nghề, từ đó nâng cao chất lượng được nguồn nhân lực cho quốc gia"- ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, công nghệ thông tin là ngành chủ lực trong 8 nhóm ngành trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh. Nhu cầu nhân sự của ngành không cần bàn tới học xong có việc làm hay không, vì quá thiếu nhân lực.

Định hướng kinh tế kỹ thuật số là mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh đã thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước dồn sức đầu tư ngành này nhiều khiến nhu cầu nhân sự tăng hàng năm với tốc độ rất cao.

Theo Phó Chủ tịch Hội GDNN TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực ngành này có ở tất cả các trình độ nghề, từ trung cấp đến sau đại học. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 30%.

Khảo sát tại hệ thống các cơ sở GDNN thì hiện nay hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp đều có các chuyên ngành đào tạo về công nghệ thông tin. Vì thế, học sinh có rất nhiều cơ hội để lựa chọn các ngành, nghề phù hợp.

Ngành quản trị nhà hàng vẫn có "đất sống"

Dự báo một số nghề hút người học trong mùa tuyển sinh mới
Học nghề chế biến món ăn tại Cao đẳng Du lịch Hải Phòng. Ảnh: Minh Anh

Một nhóm ngành khác là nhóm ngành du lịch, quản trị khách sạn, chế biến món ăn... cũng sẽ là những ngành hút người học.

Bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh gây nên, thầy Võ Công Trí - Phó Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông (Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn), vẫn khá lạc quan về các ngành nghề liên quan tới du lịch, quản trị.

Thầy Trí nhận định: "Quản trị nhà hàng là ngành học chuyên sâu về lĩnh vực quản lý các công việc cụ thể tại nhà hàng như các khâu ẩm thực, yến tiệc, hội nghị, sự kiện… Hiểu tổng thể, ngành quản trị nhà hàng là quản lý và tổ chức các hoạt động lên kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học cho từng bộ phận và phân công, đôn đốc nhân viên thực hiện đúng kế hoạch, lập các báo cáo kết quả tài chính, lập ra quy tắc trong việc quản lý nhân sự, quản lý việc chế biến thực phẩm...".

Ông tin tưởng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành ẩm thực, nhà hàng sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại.

Một ngành nghề khác hút học sinh trong nhóm ngành nghề liên quan đến du lịch dịch vụ là ngành chế biến đồ uống. Nhiều năm qua, các trường các cơ sở tư nhân đào tạo khá nhiều lao động ở ngành này. Lao động học xong trở thành những bartender (người pha chế), có thu nhập cực hấp dẫn.

Công việc pha chế đồ uống là công việc thú vị, rất phù hợp với các bạn trẻ, thích môi trường làm việc linh động, vui vẻ. Nếu thành nghề lao động có thể có một mức lương không hề thấp. Lương cộng doanh số có thể lên tới 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, các ngành như: chế biến món ăn, quản lý nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch cũng là những nhóm ngành được dự báo là sẽ hút người học. Ngành học này khá phù hợp với các bạn trẻ thích khám phá, xê dịch. Học sinh học các chuyên ngành này ra trường cũng có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ hơn do nhu cầu phát triển ngành du lịch, dịch vụ của Việt Nam trong thời gian tới.