Ngành Hải quan chủ động ứng dụng công nghệ để xử lý Chính thức có chức năng cảnh báo chống ùn tắc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia Xuất khẩu chính ngạch sẽ là giải pháp căn cơ
Phương tiện xếp hàng chờ làm thủ tục tại cửa khẩu Hữu Nghị.
Phương tiện xếp hàng chờ làm thủ tục tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Có dấu hiệu ùn tắc trở lại

Thống kê trên bản đồ mật độ phương tiện thời gian thực trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong ngày 16/2 có thể thấy, lưu lượng phương tiện chờ để làm thủ tục thông quan hàng ở các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn đang khá cao.

Cụ thể, ở Hữu Nghị đang có 1.127 xe; ga Đồng Đăng có 1.125 xe; Tân Thanh có 760 xe,...

Theo Sở Công thương Lạng Sơn, thời điểm này, trung bình mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 70 - 90 xe.

Trong khi đó, xe chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên khu vực cửa khẩu để chờ xuất có xu hướng tăng, trung bình đạt 160 - 180 xe/ngày, chủ yếu là hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, mít, xoài.

Cũng trong thời điểm này phía cửa khẩu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 rất nghiêm ngặt nên hiệu suất thông quan hàng hóa thấp.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, do phía Trung Quốc theo đuổi chiến lược "Zero Covid", siết chặt quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch bệnh nên thời gian và chi phí đối với việc xuất khẩu nông sản sang nước bạn đều tăng.

Phía Trung Quốc đề nghị phải có những khu vực cách ly tập trung để cho đội ngũ lái xe đường dài nghỉ ngơi, sau đó khi lái xe đường dài chở hàng nông sản lên cửa khẩu, bàn giao cho lực lượng lái xe chuyên trách sẽ chở qua biên giới và bàn giao tiếp cho lái xe chuyên trách Trung Quốc.

Tiếp đó, lái xe chuyên trách Trung Quốc lại tiếp tục chở hàng đi giao ở các kho bãi rồi mới đưa xe quay trở lại giao cho lái xe chuyên trách Việt Nam đưa về, khiến thời gian thông quan mỗi lô hàng bị kéo dài.

Ngoài ra, tài xế lên khu vực cửa khẩu phải đảm bảo nghiêm quy định chống dịch bởi chỉ cần 1 ca nhiễm ở khu vực cửa khẩu, Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan, ảnh hưởng lên đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Về chi phí, quá trình bàn giao xe và lái xe trung chuyển, ở phía Trung Quốc, giá các dịch vụ khử khuẩn, xét nghiệm tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó là vấn đề điều kiện bốc xếp bến bãi bên phía Trung Quốc, hiện nay, các lực lượng lao động không nhiều. Trước đây trên 90% người Việt Nam sang bốc xếp hàng hóa. Nhưng hiện nay do dịch bệnh nên người Việt Nam không sang làm việc được. Trong khi đó, khối lượng và thời gian mà đối tượng lao động bốc xếp bên Trung Quốc thực hiện không bằng người Việt Nam.

Trực 24/7 để giải quyết thủ tục

Với tình hình lưu lượng hàng hóa từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu chờ xuất khẩu và năng lực thông quan như trên dự báo sẽ gây ùn ứ lớn tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Tốc độ thông quan chậm, hoa quả tươi (chiếm khoảng 90% tổng số xe chờ xuất khẩu) cần chờ khoảng 10 - 15 ngày mới có thể xuất khẩu, không chỉ phát sinh chi phí bến bãi và các chi phí khác gây thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường... tại khu vực cửa khẩu.

Chính vì vậy, tỉnh đã ngừng tiếp nhận xe hoa quả từ các địa phương khác về cửa khẩu để có thể tập trung giải phóng hàng hoá đang chờ.

Để đảm bảo công tác thông quan cho hàng hoá, Cục Hải quan Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu đảm bảo ứng trực quân số 100%, bố trí cán bộ công chức làm việc 24/24, cả ngày nghỉ, nếu phía Trung Quốc mở cửa bất cứ lúc nào thì sẽ thực hiện thông quan hàng hóa ngay thời điểm đó.

Do phía Trung Quốc càng ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, vì vậy, Hải quan Lạng Sơn cũng đã tuyên truyền và khuyến cáo các doanh nghiệp, tư thương cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc./.