“Phớt lờ” mọi cảnh báo

Từ tháng 11/2021, lượng phương tiện chở hàng xuất khẩu (XK) lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn tăng gấp từ 2 - 3 lần so với trung bình hàng tháng, khoảng 1.500 – 1.700 phương tiện/ngày khiến cho phương tiện bị ùn ứ ngày càng tăng cao. Đến giữa tháng 12/2021, đỉnh điểm tại địa bàn Lạng Sơn, khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn trên 1.300 xe; tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh tồn trên 2.400 xe; tại cửa khẩu Chi Ma tồn 730 xe.

Không riêng ở Lạng Sơn, tại thời điểm tháng 12/2021, lượng xe container hàng đông lạnh và hoa quả xuất sang Trung Quốc qua Móng Cái (Quảng Ninh) cũng lên tới hàng nghìn xe, trong khi năng lực thông quan chỉ đạt 40 - 50 xe/ngày.

Ghi nhận lưu lượng phương tiện thực tế tại các cửa khẩu vào sáng 10/2 trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Ghi nhận lưu lượng phương tiện thực tế tại các cửa khẩu vào sáng 10/2 trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Trước thực tế trên, Tổng cục Hải quan đã cùng lực lượng chức năng các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như phía Trung Quốc, tích cực triển khai các giải pháp nhằm giải toả nút thắt này. Dù vậy, bài toán chỉ được giải một cách thấu đáo khi các chủ hàng tạm ngừng chở hàng lên biên giới, nhất là các mặt hàng nông sản, trái cây, bởi thời gian kiểm tra, thông quan kéo dài sẽ khiến chất lượng nông sản, rau quả bị biến đổi, thậm chí thối hỏng.

Theo ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, trong văn bản về việc hạn chế vận chuyển hàng hoá XK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được gửi đi liên tục, nhiều lần, đơn vị đã khuyến cáo và yêu cầu doanh nghiệp (DN), chủ hàng và lái xe chủ động lập kế hoạch xuất nhập khẩu (XNK), điều tiết từ sớm, từ xa; trao đổi với bạn hàng, đối tác Trung Quốc để tạm dừng hoặc hạn chế tối đa lượng phương tiện chở hàng lên cửa khẩu trên địa bàn trong thời điểm này.

Phía UBND tỉnh, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như hải quan địa phương cũng thường xuyên phát đi khuyến nghị... nhưng các xe hàng vẫn ùn ùn nối đuôi lên biên giới, khiến tình trạng quá tải càng thêm nghiêm trọng và khó xử lý.

Để cùng chung tay giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan vận dụng sáng tạo các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Và một trong những sáng tạo đó đã được tiến hành ngay, là ứng dụng công nghệ để kiểm soát lượng xe lên cửa khẩu.

“Giải phóng” tất cả các bên

Một ứng dụng đã nhìn thấy rõ hiệu quả chính là “chức năng cảnh báo ùn tắc” đã được Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng, triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu định vị xe tải lưu thông và tập kết tại các cửa khẩu biên giới.

Để biết lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu, người sử dụng truy cập vào địa chỉ https://www.vnsw.gov.vn, mục “Bản đồ mật độ phương tiện” và tra cứu theo danh sách cửa khẩu hoặc địa bàn tỉnh, thành phố.

Với ứng dụng này, các cơ quan chức năng, DN, người điều khiển phương tiện hoặc bất kỳ ai có thể tra cứu theo thời gian thực tình hình lưu lượng phương tiện đang ở các cửa khẩu trên cả nước. Thông tin về lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu biên giới được cập nhật theo thời gian thực. Tình trạng phương tiện tại cửa khẩu biên giới được thể hiện trên nền giao diện trực quan và thân thiện với 4 mức độ, bao gồm mức Đỏ (mức cảnh báo cao nhất với lưu lượng trên 5.000 phương tiện), mức Cam (lưu lượng từ trên 1.000 tới 5.000 phương tiện), mức Vàng (từ trên 500 đến 1.000 phương tiện) và mức Xanh (dưới 500 phương tiện).

Theo ghi nhận những ngày đầu năm mới, các cửa khẩu đều không còn mức Đỏ như thời điểm tháng cuối của năm 2021.

Anh Hoàng Đình Công, một thương lái trái cây đang chờ làm thủ tục tại cửa khẩu Chi Ma cho biết, ứng dụng này thực sự “giải phóng” với tất cả các bên. Vài ngày trước, anh dự định đưa hàng đi song mở bản đồ mật độ thấy cửa khẩu đang có hàng nghìn xe chờ nên anh đã điều đình với bạn hàng để lùi thời gian lại. Ngày 9/2, thấy lượng xe đã rút dần anh mới quyết định xuất hàng và cuối cùng, lựa chọn giao hàng tại cửa khẩu Chi Ma, nơi mà hiện tại chỉ còn vài chục xe chờ thông quan.

Với ứng dụng này, các cơ quan chức năng, DN, người điều khiển phương tiện có thể chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch XNK, kế hoạch vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế; tránh được tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu, tiết kiệm chi phí logistics; giảm thiểu thiệt hại và rủi ro.

Đi trước đón đầu, ở địa bàn có lượng xe ùn tắc nhiều nhất thời gian qua là Lạng Sơn, từ giữa tháng 1/2022, việc triển khai “cửa khẩu số” đã chính thức được thí điểm tại Hữu Nghị và Tân Thanh. Việc sử dụng thí điểm nền tảng cửa khẩu số trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc đáp ứng các quy định nghiệp vụ của các ngành liên quan như: Hải quan, Biên phòng, Thuế, Kiểm dịch, Công an… và tối đa việc thực hiện các quy trình, thủ tục của DN XNK khai báo trực tuyến dữ liệu hàng hóa, phương tiện vận tải đầu vào. Như vậy, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu sẽ chuyển từ việc nhập dữ liệu thủ công, trực tiếp sang kiểm tra, giám sát, xác nhận trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số.

Chữa chứng "nghẽn ở cửa khẩu", cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Theo các chuyên gia, để chữa chứng "nghẽn ở cửa khẩu" đâu chỉ cần liều thuốc trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.

Thông tin về hàng hóa XNK, thông tin về lái xe và thông tin về kiểm dịch y tế. Sau đó, lái xe vận chuyển hàng hóa xuất qua cửa khẩu bắt buộc phải mở định vị GPS và bật ứng dụng “Nền tảng cửa khẩu số” trong suốt quá trình vận chuyển. Tổ chức, cá nhân XNK hàng hóa và lái xe có thể tra cứu tình hình bến bãi, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa XNK qua hai cửa khẩu nêu trên.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân XNK và lái xe trong nước có thể nhận được các lệnh điều phối giao thông của cảnh sát giao thông tỉnh Lạng Sơn thông qua nền tảng cửa khẩu số.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng, việc thực hiện khai báo trên hệ thống hoàn toàn tự động, giúp DN chủ động thời gian, giảm bớt giấy tờ, thủ tục khai báo, từ đó, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, thậm chí nếu phát hiện sai sót có thể kịp thời bổ sung, sửa đổi.

Các DN có hoạt động XNK tại địa bàn Lạng Sơn đều đồng tình rằng, việc triển khai thí điểm “Nền tảng cửa khẩu số” là rất tốt, sẽ giảm được rất nhiều thủ tục rườm rà, thời gian đi lại và các loại chi phí không chính thức. Ngoài ra, DN còn có thể theo dõi được chi tiết, cụ thể lộ trình, quá trình thông quan của phương tiện chở hàng hóa XNK trên điện thoại thông minh.