Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Nói về vấn đề ùn ứ nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu thời gian qua, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nguyên nhân chủ yếu do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 chặt chẽ. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Họ đã có những quy định rất chặt chẽ về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng... Trong khi đó, việc quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam về đăng ký vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đâu đó vẫn còn có những hạn chế.

Xuất khẩu chính ngạch sẽ là giải pháp căn cơ

Điều này dẫn đến một số chủng loại sản phẩm nông sản của Việt Nam không thể đi được sang thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, vì chưa đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn của họ. Chất lượng hoặc bao gói vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm… Do đó, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam buộc phải phụ thuộc vào hình thức trao đổi cư dân biên giới (đường tiểu ngạch).

Lập nhóm công tác giải quyết ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu

Ngay sau cuộc điện đàm ngày 13/1/2022 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và 7 tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc khẩn trương thành lập nhóm công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương làm tổ trưởng.

Bộ Công thương cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, nâng cao hiệu suất thông quan, lưu thông hàng hóa ở cửa khẩu biên giới, duy trì thương mại thông suốt giữa hai nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, an toàn.

Bà Cẩm Trang cho biết thêm, trong 2 năm gần đây, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương liên tục có những khuyến cáo đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đó là cần nhanh chóng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công thương đang có nghiên cứu và có những đề án, đề xuất nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để làm sao sớm có được hình thức xuất khẩu chính ngạch.

“Khi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch cũng khẳng định được chất lượng hàng hóa đảm bảo quy chuẩn của nước nhập khẩu, do đó sẽ không còn xảy ra tình trạng phải “giải cứu” như thời gian gần đây. Ngoài ra, khi sản phẩm nông sản của Việt Nam có chất lượng cao và được nâng tầm bằng thương hiệu và chất lượng, thì không những có thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, mà chúng ta còn có thể thâm nhập vào những thị trường khác” - bà Cẩm Trang nói.

Gia tăng các biện pháp khơi thông xuất khẩu

Để khơi thông hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương biên giới phía Bắc đã có nhiều cuộc đàm phán với cơ quan chức trách Trung Quốc, bước đầu tháo gỡ khó khăn ùn tắc hàng hóa như thống nhất quy trình giao nhận hay kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu. Nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại như: Quảng Tây đã cho mở lại cửa khẩu tại Đông Hưng từ 10/1. Đặc biệt, với mặt hàng thanh long, từ 12/1 bắt đầu được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành và địa phương biên giới thời gian qua.

Cùng với đó, để hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công thương đã cho in các ấn phẩm sổ tay về thị trường Trung Quốc nhằm giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt thông tin về thị trường và biết được thị trường Trung Quốc hiện nay yêu cầu những cái gì. Hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu thì đều qua tiểu ngạch.

Vừa qua Trung Quốc có đưa ra lệnh 248 và 249 liên quan đến sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường này thì phải đăng ký. Đối với yêu cầu này, Bộ Công thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện đúng những yêu cầu của Trung Quốc.

Để giải quyết có hiệu quả vấn đề ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, bà Cẩm Trang cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hoá thị trường, xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập vào các thị trường đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan.

Đối với địa phương sản xuất hàng nông sản, bà Nguyễn Cẩm Trang đề xuất các địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc. Đã có rất nhiều kinh nghiệm được rút ra từ các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương làm tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ, nên vài năm gần đây không còn tình trạng tắc nghẽn nông sản.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị đàm phán về kiểm dịch, để có nhiều loại quả hơn xuất khẩu sang Trung Quốc và rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch. Đặc biệt, thời gian vừa qua khi xuất khẩu nông sản bằng đường bộ gặp khó khăn, cũng đặt ra vấn đề cần chuyển sang các hình thức khác như đường sắt hay đường biển.

Mở "luồng xanh" khu vực biên giới

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, ùn tắc hàng hóa đã giảm nhưng vẫn nghiêm trọng, từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý các xe đang tồn đọng, do đó cần dừng đưa xe hàng lên các cửa khẩu biên giới đang tắc nghẽn.

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tại các cửa khẩu tập trung tổ chức phân “luồng xanh” - luồng ưu tiên đối với hàng hóa trong “vùng xanh” phòng chống dịch Covid-19; điều chỉnh thời gian nghỉ trưa và tăng thời gian làm việc để phù hợp với thời gian làm việc của phía Trung Quốc, đẩy mạnh việc thông quan điện tử, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát thông quan đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Về lâu dài, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại hình thức, chính sách và kiểm soát chặt chẽ hoạt động trao đổi cư dân biên giới; xây dựng cẩm nang xuất khẩu chính ngạch để hỗ trợ thương nhân chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc (và sang các thị trường khác) theo hình thức chính ngạch, trong đó lưu ý việc tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt.

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.

Đồng thời, các cấp các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, khai thác hiệu quả tối đa 15 FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.