vận tải

Toàn cảnh hội nghị.

593 phương tiện thủy được cấp phép hoạt động

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển.

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, qua 1 năm triển khai, từ tháng 7/2014 đến 30/9/2015, đã có 593 phương tiện thủy được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện mang cấp VR-SB được phép hoạt động trên tuyến vận tải ven biển (năm 2014 là 105 chiếc và từ đầu năm 2015 đến nay 488 chiếc).

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng tổ chức 20 khóa học, cấp chứng chỉ cho 727 thuyền viên điều khiển phương tiện đi trên tuyến vận tải ven biển, (năm 2010 - 2014 tổ chức 9 khóa 400 học viên, năm 2015 tổ chức 11 khóa 327 học viên).

Các Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ Hàng hải đã làm thủ tục cho 6.346 lượt phương tiện mang cấp VR-SB (tàu được chạy trên tuyến pha sông biển) vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với gần 6,1 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển (tương đương với hơn 200.000 xe tải loại 30 tấn), các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển trên tuyến ven biển gồm như: Than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO...

Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc cũng nhấn mạnh, qua thực tế 1 năm triển khai vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Do tàu được miễn thông báo tàu, xác báo tàu đến cảng, không phải nộp bản khai chung nên công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tàu VR-SB gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, thông tin trên giấy phép rời cảng chưa đủ căn cứ để thực hiện việc tính các loại phí, lệ phí hàng hải.

Đồng thời, hoạt động của các tàu VR-SB trên tuyến ven biển ngày càng phát triển, số lượng tàu ngày càng gia tăng, các tàu được đóng mới có trọng tải lớn, nhưng quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng của cảng, bến còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải...

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân

Để giải quyết những bất cập trên, tiếp tục phát huy hiệu quả tuyến vận tải ven biển, theo ông Trần Bảo Ngọc, Bộ GTVT cũng sẽ yêu cầu thuyền viên điều khiển phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển đi đúng tuyến được Bộ GTVT công bố; đưa phương tiện ra, vào các cảng, bến đã được công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động; thường xuyên cập nhật, thời tiết, khí tượng thủy văn để tránh khu vực có thời tiết xấu.

Đồng thời, đội ngũ thuyền viên cũng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải trên tuyến ven biển phải bố trí, sắp xếp để thuyền viên học tập và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện VR-SB.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, việc triển khai tuyến vận tải ven biển là một trong những chủ trương của Bộ GTVT để giảm tải cho đường bộ, giảm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiết kiệm kinh phí sửa chữa. Đồng thời, cũng từng bước giúp phát triển hài hòa các phương thức vận tải.

"Qua 1 năm triển khai, kết quả đạt được là điều rất đáng mừng, những tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền Bộ sẽ kiên quyết sửa, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị sửa đổi với tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh./.

Bài và ảnh: Trí Dũng