Giá gạo sẽ tăng, giảm ra sao trong quý II/2024?
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vùng giá thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá lúa gạo trong nước và thế giới quý I/2024?

Giá gạo sẽ tăng, giảm ra sao trong quý II/2024?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo số liệu ghi nhận của chúng tôi, đóng cửa ngày 2/4, giá gạo thô kỳ hạn tháng 5 niêm yết trên Sở giao dịch Chicago đã ghi nhận chuỗi giảm 2 tuần liên tiếp, về mức 316,52 USD/tấn. Giá mặt hàng này đã sụt giảm 8,9% so với đầu năm nay và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 1/4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm về mức 582 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại từ Thái Lan và Pakistan lần lượt 11 USD/tấn và 23 USD/tấn. Ngược lại, giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta đạt mức 558 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại từ Thái Lan 9 USD/tấn và ngang giá gạo Pakistan.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vùng giá thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây. Tuy vậy, dù đã hạ nhiệt đáng kể so với mức xuất khẩu bình quân kỷ lục trong tháng 2/2024 ở mức 673 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang cao hơn gần 120 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và khoảng 130 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng đầu năm?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, việc giá gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn vừa qua là hợp lý, theo đúng quy luật tự nhiên do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Đặc biệt, nước ta cũng đang trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, đương nhiên sẽ kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, giá gạo thế giới nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao và thậm chí vẫn duy trì xu hướng tăng từ đầu năm cho đến giữa tháng 2. Nguyên nhân hỗ trợ giá gạo thế giới theo tôi bao gồm: Thứ nhất, nguồn cung thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Điều này càng khiến nhu cầu nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nhiều thị trường gia tăng, dẫn đến yếu tố tác động thứ 2 về nhu cầu. Thứ 3, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng gạo thế giới, tuy nhiên căng thẳng Biển Đỏ, các xung đột chính trị cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, với việc chi phí logistics, thời gian vận tải bị đội lên đáng kể.

PV: Dự báo giá lúa gạo trong nước và thế giới quý II/2024 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Là mặt hàng lương thực thiết yếu khó thay thế, nguồn cung sẽ là yếu tố tác động mạnh nhất, tiếp tục chi phối thương mại gạo toàn cầu trong quý II năm nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức kỷ lục 522,9 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và vượt sản lượng 7,5 triệu tấn. Với dự báo này, tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự kiến giảm xuống 169,7 triệu tấn, mức thấp nhất trong 6 năm.

Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Giới phân tích hiện đều đưa ra các dự báo cho thấy sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn.

Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái; Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Những thông tin này hiện đều phản ánh lo ngại thiếu hụt nguồn cung lúa gạo toàn cầu. Do đó, theo tôi, giá gạo thế giới vẫn có dư địa trở lại xu hướng tăng vào giữa và cuối quý II năm nay. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng lương thực thì sẽ ngày càng có nhiều hơn cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam tăng 40%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 2,07 triệu tấn gạo với kim ngạch 1,37 tỷ USD, tăng 12% về lượng và 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.