Tính đến ngày 8/8, giá xăng, dầu trong nước đã trải qua liên tiếp 5 phiên điều chỉnh giá. Ảnh tư liệu |
PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường xăng dầu, gas trong nước và thế giới từ tháng 6/2024 đến nay?
Ông Dương Đức Quang: Tôi cho rằng thị trường xăng dầu, gas trong nước và thế giới tiếp tục biến động kể từ tháng 6/2024 đến nay. Đối với thị trường dầu, theo ghi nhận của MXV, trong tháng 6, giá dầu thế giới đã tăng vọt gần 15%, có thời điểm quay trở lại mức đỉnh 2024 khi dầu thô WTI chạm mốc 85 USD/thùng, trong khi dầu Brent được giao dịch trên vùng 90 USD/thùng.
Bước sang tháng 7, động lực tăng đã không còn duy trì được trên thị trường và giá dầu thế giới liên tục trải qua các phiên sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/8, dầu WTI đạt 73,2 USD/thùng, dầu Brent đạt 76,5 USD/thùng. Mức giảm hơn 13% chỉ tính riêng trong tháng 7 đã xóa đi gần như toàn bộ đà tăng được thiết lập một tháng trước đó.
Việt Nam là quốc gia nhập siêu năng lượng, giá xăng dầu trong nước cũng bám sát với diễn biến trên thị trường dầu thô thế giới. Tính đến ngày 8/8, giá xăng, dầu trong nước đã trải qua liên tiếp 5 phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá bán lẻ xăng RON 95-III đang ở mức 21.673 đồng/lít, giảm 930 đồng/lít so với kỳ điều hành trước đó, trong khi giá dầu diesel cũng giảm 737 đồng/lít về mức 19.141 đồng/lít.
Việt Nam chi 4,7 tỷ USD nhập khẩu xăng dầuTheo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2024, cả nước nhập khẩu hơn 5,8 triệu tấn xăng dầu các loại, với tổng kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD, tăng 3% về lượng và tăng 4,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. |
Với thị trường khí đốt, xu hướng giảm thể hiện mạnh mẽ. Sau khi đạt đỉnh 6 tháng vào đầu tháng 6/2024, ngay sau đó, giá khí tự nhiên đã liên tục lao dốc. Hiện giá khí đốt tại Mỹ duy trì ở mức thấp, khoảng 1,9 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, thấp hơn tới khoảng 40% so với mức đỉnh trong năm nay và khoảng 32% so với hồi đầu tháng 6.
PV: Đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng qua, thưa ông?
Ông Dương Đức Quang: Theo tôi, có nhiều lý do khiến giá xăng dầu, gas lên xuống trong thời gian qua, đầu tiên là thị trường dầu. Tôi cho rằng diễn biến phân hóa trên thị trường xuất phát từ cả cán cân cung cầu lẫn áp lực vĩ mô.
Thứ nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ tự nguyện khoảng 2,3 triệu thùng/ngày sang quý II/2024 đã đẩy thị trường vào trạng thái thâm hụt khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày. Cộng thêm là căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông lan rộng gây ra rủi ro gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng đã thúc đẩy giá dầu trong giai đoạn tháng 6.
Thứ hai, sự lạc quan trên thị trường cũng được củng cố sau khi lạm phát tại Mỹ được kiểm soát trở lại, kéo giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Giá xăng dầu trong nước vì thế cũng được điều chỉnh tăng tương ứng.
Diễn biến ngược lại vào tháng 7, nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái sau khi dữ liệu việc làm kém tích cực đã quay trở lại gây áp lực lên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu suy yếu bên cạnh bài toán tăng trưởng từ Trung Quốc cũng phần nào xóa nhòa đi áp lực đến từ rủi ro nguồn cung. Những yếu tố này đã kéo giá nhiên liệu thế giới giảm trở lại. Giá xăng dầu nội địa vì thế cũng được điều chỉnh tăng tương ứng.
Tiếp theo là thị trường khí đốt, đà giảm mạnh của giá thế giới chủ yếu là do nhu cầu sụt giảm tại các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu trước tình hình thời tiết ấm hơn dự kiến. Ngoài ra, tồn kho khí đốt liên tục tăng cao đã gây sức ép mạnh lên giá.
PV: Trước những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, theo ông, thời gian tới, giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao?
Ông Dương Đức Quang: Căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông có dấu hiệu leo thang vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Tôi nhận định rằng, tác động lớn nhất có lẽ vẫn đến từ việc liệu xung đột có chiều hướng mở rộng hay không, việc Iran trực tiếp bị kéo vào cuộc chiến có thể sẽ khiến giá dầu thế giới bật tăng quay trở lại lên mốc 85 USD/thùng. Ở kịch bản ôn hòa hơn, giá có thể sẽ biến động quanh vùng 75 - 80 USD/thùng.
Ngoài ra, nguồn cung của OPEC+ cũng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng tác động lên thị trường trong giai đoạn cuối năm. Báo cáo mới nhất từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, thị trường vẫn duy trì trạng thái thâm hụt khoảng 580.000 thùng/ngày dưới tác động đến từ chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Cũng cần lưu ý rằng, nhóm xuất khẩu vẫn để ngỏ khả năng có thể bổ sung dần nguồn cung ra thị trường bắt đầu từ tháng 10.
Giá xăng dầu trong nước đương nhiên sẽ biến động cùng chiều với thị trường quốc tế và giai đoạn cuối năm, giá xăng trong nước nhiều khả năng sẽ có các đợt điều chỉnh tăng giảm xen kẽ và có thể sẽ diễn biến quanh vùng 21.000 - 22.000 đồng/lít. Thêm vào đó, hiệu quả từ chính sách giảm thuế môi trường xăng dầu cũng như quỹ bình ổn giá, qua đó sẽ tiếp tục giúp thị trường trong nước trở nên ổn định hơn.
Đối với giá khí, thị trường có thể trải qua đợt tăng nhẹ khi giai đoạn mùa đông đang tới gần. Tuy nhiên, đà tăng sẽ không quá mạnh mẽ khi tồn kho tại Mỹ cũng như khu vực châu Âu đang khá dồi dào. Với độ trễ nhất định bên cạnh nguồn cung trong nước tương đối ổn định, giá gas trong nước nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ hoặc không đổi so với tháng 7.
PV: Xin cảm ơn ông!