Lao động di cư về quê mất việc cần được hỗ trợ

Giải bài toán đào tạo nghề cho lao động mất việc, lao động hồi hương
Lao động học nghề may. Ảnh: Minh Anh

Với nhiều lao động ở xã vùng cao Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa) thì năm nay là năm kém may mắn trong làm ăn. Vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng anh Nguyễn Quế Nam (29 tuổi) đã phải vất vả tìm kiếm kế mưu sinh mà chưa được.

Anh Nam cùng vợ vào TP. Hồ Chí Minh đã được 10 năm, làm công nhân may nhưng dịch Covid-19 kéo tới, công ty đóng cửa rồi giải thể. Hai vợ chồng thất nghiệp, vậy là nghỉ về quê. Nghỉ việc, tiền lương cũng hết sạch nên anh vợ chồng anh phải vay mượn tiền về quê, rồi làm xét nghiệm.

Trắng tay khi trở về là tình cảnh của hàng chục lao động ở bản Mọi. Nhiều năm đi làm xa, để vườn ruộng hoang, ai về cũng mong muốn làm gì đó để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đặc thù là địa bàn miền núi xa xôi, họ khó cơ hội tìm thấy việc làm. Đi cũng dở, ở cũng không xong là tình cảnh của hàng trăm nghìn lao động vùng cao quẫn bách khi trở về.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, các chính sách Nhà nước áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp cần được duy trì để đảm bảo sự phục hồi của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải được phục hồi thì mới tạo được việc làm và tạo ra cầu nối. Bà Lan Hương cũng đề cao việc chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực để cung cấp cho các thị trường.

Hầu hết là lao động phổ thông không có chuyên môn, không có giao kết hợp đồng lao động và có tâm lý không muốn rời quê nữa. Những lao động miền núi này đang cần việc làm tại chỗ để giải tỏa áp lực dân sinh do dư thừa lao động. Đào tạo lại cho những lao động này là hoạt động cấp thiết.

"Vấn đề hiện nay không phải lao động nào cũng từng làm việc trong khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế, ngoài hỗ trợ tái đào tạo cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, cần hỗ trợ đào tạo cho cả lao động tự do, lao động mất việc về quê không có bảo hiểm thất nghiệp. Vấn đề này, địa phương phải linh hoạt, chủ động"- bà Hương cho biết.

Thiếu hụt lao động ở các thành phố lớn

Trong khi nhiều lao động đang loay hoay tìm việc ở quê, thì tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra trong 3 tháng liên tiếp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phục hồi và mở rộng sản xuất những của những tháng cuối năm và đầu năm tới.

Theo ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vấn đề giải quyết câu chuyện lao động cần có biện pháp dài hạn và tổng thể. Cụ thể, không chỉ giải quyết nhu cầu lao động ở các khu công nghiệp, về lâu dài cần có phương án tạo việc làm ở các vùng miền núi. Từ đó, giúp lao động ở vùng xa xôi có thể tìm thấy việc làm dễ dàng hơn.

Qua thời gian kinh tế bị đình trệ do đại dịch Covid-19, “cơn khát” nhân lực có tay nghề càng bộc lộ rõ hơn. Đây cũng là điểm yếu trong vấn đề đào tạo nhân lực hiện nay. Những lao động không có tay nghề sẽ khó tìm được việc làm mới trong bối cảnh sau đại dịch.

Từ đầu năm đến nay, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã nhận thêm 800 lao động vào làm việc. Bố trí cho người lao động vừa học vừa làm ngay tại nhà máy là cách để công ty giải quyết tình trạng thiếu nhân lực; đồng thời giúp cho người lao động có được thu nhập giữa lúc khó khăn vì dịch bệnh.

Với ngành may, để đào tạo một lao động lành nghề phải mất đến 3 năm. Việc tuyển dụng lao động lành nghề ngay từ đầu gần như không thể thực hiện được. Vì vậy, hầu hết các nhà máy phải tự đào tạo lại người lao động cho chính mình. Thông thường, các công nhân khi mới được tuyển vào được trả lương 150.000 đồng/ngày dù đang trong giai đoạn học việc.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, vấn đề đào tạo lại cho người lao động nên để các doanh nghiệp thực hiện thì hiệu quả hơn. Cùng quan điểm, TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, chủ trương huy động doanh nghiệp sẽ là các cơ sở đào tạo đi kèm hệ thống đào tạo trường lớp. Ông Bình cũng cho biết, hiện các lớp đào tạo và đào tạo lại cho lao động đã được triển khai.

Anh Bằng (học viên khoa Cơ khí, trường Cao đẳng nghề tỉnh An Giang) là lao động phổ thông thất nghiệp. Do dịch bệnh, anh được đi học thêm nghề cơ khí. Sau 3 tuần học, anh thấy nghề nghiệp mình được nâng cao hơn rất nhiều. Anh chia sẻ: “Các thầy đã hướng dẫn tôi rất nhiều kỹ thuật để nâng cao tay nghề. Đây cũng là những kiến thức quan trọng sẽ giúp ích cho công việc của tôi sau này”.

Tại An Giang, 22 lớp đào tạo nghề cho người lao động trở về quê do tổ chức Gift phối hợp tổ chức với kinh phí là 2,8 tỷ đồng. Người học được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại và học bổng sau khi kết thúc khóa học. Đối với nam là 2 triệu đồng, nữ là 2,5 triệu đồng/ người.

Tham gia các lớp học, người lao động được trang bị tay nghề và các kĩ năng để thích nghi với môi trường sản xuất khi quay lại nhà máy, khu công nghiệp. Đối với những lao động ở lại quê, sẽ được đào tạo kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, thậm chí khởi nghiệp ngay tại quê hương./.