Việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng giúp giá bán hàng hóa, dịch vụ giảm 2% so với việc áp dụng thuế suất 10%. Ảnh tư liệu |
PV: Từ đầu năm 2024 đến nay, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Bà đánh giá thế nào về những chính sách này?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm 2024, cơ quan thuế, hải quan đã tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm khoảng 78,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 70,8 nghìn tỷ đồng.
Tôi cho rằng, với số tiền gian hạn, giảm thuế nói trên đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực để sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, có thể thấy, trong 9 tháng năm 2024, trước tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột chính trị, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế nước ta vẫn duy trì xu hướng tích cực, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Cụ thể, GDP quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung GDP 9 tháng năm 2024 tăng 6,82% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%…
Có thể nói, những chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất đã kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
PV: Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2025. Chính sách này sẽ tiếp tục hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế ra sao, thưa bà?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Thuế GTGT là một khoản thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, hướng vào việc thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế. Như đã nói ở trên, 10 tháng năm 2024, các chính sách miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất ước tính khoảng hơn 78 nghìn tỷ đồng.
Có thể đánh giá, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT đã góp phần thúc đẩy giảm giá thành sản phẩm qua việc doanh nghiệp mua những nguyên liệu là hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. Đồng thời, việc giảm thuế suất thuế GTGT cũng giúp cho giá bán hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% so với việc áp dụng thuế suất 10%, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra là vừa kích cầu tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Theo tôi, việc xây dựng nghị quyết giảm thuế suất thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp vừa qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Vì vậy, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như tiếp đà tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2025.
PV: Để tiếp đà tăng trưởng kinh tế thời gian tới, bên cạnh chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, cần thêm những chính sách hỗ trợ nào, thưa bà?
PGS.TS Lý Phương Duyên: Như đã trình bày ở trên, mặc dù chính sách giảm thuế suất thuế GTGT 2% có những tác động nhất định đến tổng cầu tiêu dùng nhưng tác động đối với doanh nghiệp có thể có những độ trễ nhất định. Vì vậy, chính sách gia hạn thuế được coi là giải pháp phát huy được tốt hơn tính kịp thời trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, thị trường mới.
PV: Xin cảm ơn bà!
Cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy đầu tư tư nhân Theo PGS.TS Lý Phương Duyên, bên cạnh các chính sách giảm thuế, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư tư nhân cũng như thu hút đầu tư nước ngoài; tập trung hơn vào các gói chính sách hỗ trợ tiền tệ, tín dụng; đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để vượt qua những khó khăn, thách thức… |