đại biểu Trường Giang

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau): Bây giờ tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển. Ảnh: TL.

Chiều 30/5, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Cải tiến chưa thấy kết quả đâu, lại nảy sinh tiêu cực

Là người thường có những phát biểu thẳng thắn trước QH, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã bày tỏ quan điểm của mình trước vấn nạn trong ngành Giáo dục hiện nay, đó là gian lận trong thi cử.

“Chúng ta cần ghi nhận sự cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua, nhưng bộ vẫn loay hoay với nhiều vấn đề mà ít đem lại kết quả để đạt mục tiêu phát triển giáo dục đề ra. Cải tiến nối tiếp cải tiến, trong khi sự cải tiến chưa mang lại kết quả rõ ràng, tiêu cực và sai phạm đã nảy sinh” - ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.

Theo ĐB, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri đã phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không yên tâm và mất niềm tin trong giáo dục. “Thử hỏi nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục thì như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá nặng nề, cộng với thị trường văn bằng, chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi, Công an Hà Nội chỉ bắt một vụ mà thu được cả tấn phôi bằng” - ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho hay.

ĐB cho rằng, điều đáng nói là khi làm rõ sai phạm thì việc công khai danh tính những phụ huynh và học sinh liên quan đến sai phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nhạy cảm, thiếu nhân văn. Tuy nhiên, mất mát lớn nhất đó là đạo đức xã hội. Theo ĐB, chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này thì mới lấy lại niềm tin của người dân. Sau sai phạm năm 2018, bộ đang rất nỗ lực cải tiến kỳ thi 2019 nghiêm túc hơn, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm không xảy ra.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng đồng tình với ĐB Nguyễn Sỹ Cương khi cho rằng, những gì đang diễn ra trong ngành Giáo dục đào tạo của nước ta thời gian gần đây đang khiến người dân không khỏi lo lắng, đôi khi nghi ngờ về quốc sách hàng đầu này. Chất lượng giáo dục đào tạo không thực chất; bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng vì những giải pháp của ngành Giáo dục hiệu quả thấp.

ĐB Thái Trường Giang nhận định: “Ngành Giáo dục không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập trở nên thực chất đúng với thực trạng hơn. Nếu chúng ta tiến hành một cuộc khảo sát, ngành Giáo dục bây giờ tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển. Tôi có thể gọi hành vi gian lận thi cử trong năm 2018 là hành động ăn cướp, hành vi vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, đánh mất tương lai của các cháu học thật và thi thật”.

ĐB Thái Trường Giang đề nghị, Chính phủ và ngành Giáo dục - đào tạo phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.

“Cất bằng cử nhân đi làm công nhân”

ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) quan tâm đến chất lượng đào tạo đại học. ĐB trích dẫn báo cáo thị trường lao động quý II/2018, lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp chiếm 9,58%. “Bất cập này làm nảy sinh thực tế, thời gian qua, một bộ phận cử nhân không tìm được việc làm sau tốt nghiệp phải cất bằng cử nhân đi làm công nhân. Một bộ phận cử nhân quay lại học nghề để tìm việc làm. Sinh viên có bằng đại học, trên đại học lại đi học văn bằng hai trình độ trung cấp, cao đẳng nghề” - ĐB nêu một thực tế đáng đau lòng.

Nữ ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị, Chính phủ phải quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch tổng thể gắn kết giữa giáo dục, đào tạo với lao động, việc làm, nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Cùng với đó, kiểm soát chất lượng đào tạo đại học, đặc biệt là chất lượng đầu vào, kiến thức giáo dục đại học trang bị cho sinh viên phải gắn với khả năng vận dụng vào sản xuất, kinh doanh, cũng như với đời sống xã hội. Cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và gửi học sinh giỏi đi đào tạo các trường đại học, dạy nghề có trình độ, đẳng cấp quốc tế, khu vực.

ĐB đề nghị chú trọng đến chính sách hỗ trợ các trường nghề nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, và mức lương khởi điểm cho em học viên tốt nghiệp để thực hiện phân luồng hiệu quả, bên cạnh cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa./.

Minh Anh