Lý giải cho việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, báo cáo từ UBND tỉnh Hà Nam cho biết, do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian. Theo đó, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Các thủ tục để tiến hành việc đấu thầu cũng mất tới 30 ngày.

Hà Nam: Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 14%
Hà Nam đang có tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Ảnh minh họa

Đồng thời, giá sắt thép, xi măng tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn, do nhà thầu phải dừng việc thi công các công trình, dự án để chờ bù giá. Cùng với đó là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án giao thông có nhà dân. “Vướng mắc về giải phóng mặt bằng do chính sách giá đất có sự chênh lệnh lớn giữa giá thực tế ngoài thị trường và giá của địa phương ban hành, vì thế đã mất nhiều thời gian, thủ tục để xác định nguồn gốc đất để thu hồi” - báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam nêu rõ.

Theo UBND tỉnh Hà Nam, hiện nay việc tính giá đất cũng có bất cập, do đó, nếu các quy định sửa đổi không được ban hành sớm thì rất khó trong việc tính giá đất để thực hiện giải phóng và bồi thường thỏa đáng.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A, tỉnh đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công năm 2019 chưa có quy định đối với các dự án đang thực hiện thì cấp nào sẽ thực hiện điều chỉnh chủ trương dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Hiện tỉnh Hà Nam cũng đang gặp vướng mắc về cơ chế giải ngân nguồn vốn nước ngoài đối với dự án cấp phát từ ngân sách trung ương, gồm vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp theo hình thức ghi thu- ghi chi giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước nên chưa thể nhập dự toán trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để giải ngân. Vướng mắc này đã làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, phấn đấu đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách 2022, tỉnh Hà Nam đang yêu cầu các sở, ban, ngành tại địa phương tập trung hoàn thiện thủ tục, chọn nhà đầu tư, lập quy hoạch các khu tái định cư cho các dự án. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án trong quá trình triển khai.

Tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị, đối với thủ tục đấu nối, thỏa thuận đấu nối, chuyển đổi sử dụng đất… các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ nhanh vì công tác này mất rất nhiều thời gian. Tỉnh cũng đề nghị, các cơ quan quản lý sớm ban hành nghị định về tính giá đất để làm căn cứ cho việc tính giá đất, khẩn trương triển khai các dự án.

Đặc biệt, để công tác giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng được tăng tốc, tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị cho phép Hội đồng nhân dân các cấp quyết định kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán đối với kế hoạch vốn thuộc cấp mình quản lý. Từ đó tạo sự chủ động và gắn với trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ngân sách.