Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo
Sáng ngày 17/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia và các vấn đề quan trọng khác...
Báo cáo một số kết quả nổi bật 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc. |
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.
Đáng chú ý, một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: ứng dụng công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp…).
TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững; đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai; đảm bảo các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng nhằm tạo động lực tăng trưởng mới; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội.
Thành phố cũng thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ…
Ban hành chính sách “đặc thù”, “đột phá” để phân cấp, phân quyền chủ động cho Hà Nội
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thành phố thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị. Có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, các cơ sở ô nhiễm theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô. Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục đại học di dời đến khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, tạo tiền đề để phát triển thành phố phía Tây trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, giáo dục đại học của Thủ đô và cả nước. Cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Hà Nội vẫn đang đối mặt với một số thách thức và cần sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TL |
Về các tuyến đường sắt đô thị, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách “đặc thù”, “đột phá” để phân cấp, phân quyền chủ động cho TP. Hà Nội. Tạo điều kiện cho Hà Nội tập trung phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành “biểu tượng phát triển mới của Thủ đô” theo Kết luận 80 của Bộ Chính trị.
Về đô thị đặc biệt, Luật Thủ đô quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển thành phố phía Bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
"TP. Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, nhà nước và nhân dân. Đồng thời, mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước"- ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đẩy mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm toàn diện. Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành và thực hiện Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa; giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực: Văn hoá, giáo dục và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với gần 50 nghìn tỷ đồng. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. |