Kết quả tích cực trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ

Theo ông Phan Trọng Bình - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Hà Tĩnh, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, phát triển tài sản trí tuệ trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu giúp các địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khai thác tiềm năng, lợi thế và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của mình.

Hà Tĩnh: Đến năm 2030, chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn địa lý) đã tăng 25% giá trị. Ảnh: TL

Trong bối cảnh này, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Thống kê cho thấy các sản phẩm đặc sản địa phương sau khi được xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đều phát huy tác dụng. Giá trị sản phẩm được nâng lên từ 10 - 15% và giữ ổn định qua các năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định.

Các chính sách này đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã thúc đẩy, tạo cơ chế cho các địa phương cấp huyện cụ thể hóa bằng các nghị quyết chính sách của huyện và tham gia vào hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương.

Ngoài ra, để hỗ trợ đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, Sở KH&CN Hà Tĩnh còn tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành các chính sách về đổi mới, chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Nhờ vậy, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ cho 19 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực và làng nghề của tỉnh dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như: cam Vũ Quang, mật ong Vũ Quang; rau, củ, quả Tượng Sơn; mộc Thái Yên, chè Hồng Lộc; nhãn hiệu chứng nhận như: cam Thượng Lộc, cam Khe Mây, cam Sơn Mai, mật ong Hương Sơn, cam Bù Hương Sơn, cu đơ Hà Tĩnh, nước mắm Kỳ Ninh, mực Thạch Kim, bánh gai Đức Yên, gạo rươi Đức Thọ; sản phẩm đang xây dựng và chỉ dẫn địa lý như: nhung hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, hành tăm Thiên Lộc và mai vàng Kỳ Nam.

Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đã tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 22 sáng chế/giải pháp hữu ích, 19 kiểu dáng công nghiệp, 2.451 nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh. Điều này đã tạo tiền đề thuận lợi cho các cơ sở xây dựng, phát triển thành chuỗi thương hiệu như: Công ty CP Dược Hà Tĩnh, phở dê Rồng Vàng (nhượng quyền thương hiệu cho gần 10 cơ sở, 300 - 350 triệu đồng/cơ sở), cu đơ Phong Nga, nhung hươu Chiến Sơn, nước mắm Luận Nghiệp...

Phấn đấu số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng trung bình 10%

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg (ngày 11/5/2022) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định 482/KH-UBND (ngày 3/11/2023) Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế - xã hội địa phương.

Hà Tĩnh: Đến năm 2030, chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước
Nhãn hiệu “Nhung hươu Thuận Hà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: TL

Mục tiêu tổng quát của tỉnh Hà Tĩnh đề ra là đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần vào phát triển toàn diện kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đến năm 2025 là 40% và đến 2030 nâng lên 45%.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đạt từ 20% - 30%; phấn đấu số tổ chức khoa học, công nghệ (KHCN) và số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KHCN đến năm 2025 là 30 tổ chức, đến năm 2030 là 45 tổ chức; phấn đấu số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng trung bình 10% giai đoạn 2021-2025 và tăng 15% giai đoạn 2025-2030; phấn đấu đến năm 2030, chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Công tác đổi mới, nâng cao hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của địa phương góp phần quan trọng trong hình thành, phát triển sản phẩm hàng hóa, qua đó góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh, nâng mức chi ngân sách nhà nước của tỉnh cho khoa học và công nghệ lên ít nhất 2% (bằng tỷ lệ chi cho khoa học, công nghệ trong ngân sách cả nước) trong thời kỳ 5 năm 2021-2025 và tiếp tục nâng lên 3% trong thời kỳ 2026-2030. Đến năm 2025, số cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hằng năm tăng từ 12 - 15%, duy trì mức tăng bình quân trên 10% /năm đến năm 2030.

Hà Tĩnh cũng khuyến khích, công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương được lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với các Chương trình mục tiêu của trung ương và địa phương, như: Chương trình Nông thôn mới, Chương trình OCOP, Chương trình Khuyến công, các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của cấp huyện... qua đó đã huy động được các nguồn lực để đồng hành, phát triển.