hải quan quảng ninh

Cán bộ Hải quan Quảng Ninh rà soát chứng từ, hồ sơ DN để phục vụ công tác chống thất thu. Ảnh: Hải Anh

Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, tổng số nợ thuế của 70 DN do đơn vị quản lý là 113 tỷ đồng; trong đó có nhiều DN phát sinh nợ thuế từ năm 2000 trở về trước.

Theo quy trình quản lý nợ thuế và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (tại Công văn số 6503/TCHQ-TXNK ngày 6/11/2018), Cục Hải quan Quảng Ninh đã chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc gửi văn bản đến phòng ĐKKD, sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố nơi DN ĐKKD đề nghị phối hợp thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD theo quy định.

Trên thực tế việc Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 6503/TCHQ-TXNK xuất phát từ công văn 301/ĐKKD-NV của Cục Quản lý ĐKKD (ngày 17/10/2018), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan hải quan phối hợp thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD..., nhằm thực hiện các biện pháp mạnh tay đối với DN chây ỳ nợ thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước...

Việc thu hồi thuế cho ngân sách nhà nước không chỉ là trách nhiệm của cơ quan hải quan mà cần có sự chung tay, phối hợp của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, có một số trường hợp cơ quan hải quan gửi văn bản nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi của phòng ĐKKD về kết quả thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD.

Để xử lý vướng mắc trên, Cục Hải quan Quảng Ninh vừa đề xuất Tổng cục Hải quan trao đổi với Cục Quản lý ĐKKD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các sở kế hoạch và đầu tư thông báo lý do không thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD để cơ quan hải quan có cơ sở thực hiện các biện pháp tiếp theo.

Đồng thời, Cục Hải quan Quảng Ninh đã gửi văn bản đề nghị sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cao Bằng) sớm cung cấp thông tin về kết quả phối hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế tới cơ quan hải quan./.

Ngọc Linh