Cùng với xứ sở kim chi, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Thụy Điển cùng nằm trong top 5 các quốc gia hàng đầu về các ý tưởng.
Việt Nam không có mặt trong bảng xếp hạng này. Ba quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Thái Lan lần lượt chia nhau các vị trí số 6, số 25 và số 47.
Chỉ số sáng tạo Bloomberg đánh giá 50 nền kinh tế trên thế giới, dựa trên các yếu tố có thể kể đến như nguyên cứu và phát triển cùng với mức độ tập trung của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.
Để có được vị trí quán quân, Hàn Quốc đã giành mức điểm cao nhất ở tiêu chí sản xuất giá trị gia tăng và giáo dục bậc cao, số sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực khoa học và kỹ sư. Thêm vào đó, quốc gia này cũng xếp thứ 2 về nghiên cứu và phát triển, mật độ công nghệ cao và các hoạt động sáng chế đồng thời cũng xếp thứ 6 về mật độ các nhà nghiên cứu.
Ông Marcus Noland, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington nhận định, vị trí hạng nhất đã khẳng định những nỗ lực của Hàn Quốc - một đất nước đã chi ra rất nhiều tiền để phát triển các công nghệ mới và đào tạo nhiều kỹ sư trên thế giới. Song, vấn đề mà Hàn Quốc hiện phải đối mặt là làm sao để đổi mới sáng tạo có thể chuyển hóa thành những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế.
Theo Noland, doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon có thể khởi nghiệp chỉ với những ý tưởng và sau đó họ sẽ đóng góp vào nền kinh tế Mỹ thì ở Hàn Quốc lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
“Thử hình dung bạn là một nhà khoa học hay kỹ sư làm việc tại Samsung Electronics, và bạn có vài ý tưởng cực hay, bạn sẽ không nghỉ việc và thành lập công ty của riêng mình để rồi có thể sẽ gặp vấp phải những rủi ro vì những ý tưởng đó. Thay vì thế, bạn sẽ chọn ngồi vào một trong những vị trí lãnh đạo trong công ty Samsung”, ông Noland cho hay./.
Thu Trà (Theo Bloomberg)