Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: H.Y

>> Quốc hội thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59%

>> Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện tinh thần kiểm soát quyền lực

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc sau 32 ngày làm việc tích cực, hiệu quả của các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo chí trong ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 6 (29/11), đánh giá về kỳ họp dài với nhiều nội dung quan trọng này, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cho rằng kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện không khí dân chủ cởi mở. Các ĐB Quốc hội đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân, thông qua việc góp ý vào các báo cáo của Chính phủ, tham gia vào các dự án Luật. Những vấn đề lớn, có tính chất trọng tâm của kỳ họp đã được thông qua trong một không khí dân chủ và công khai.

Với một tỷ lệ tán thành cao tới 97,59%, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tin tưởng rằng Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ tạo ra bước tiến mới trong phát triển đất nước, Việt Nam sẽ có những đổi mới và đặc biệt là an ninh chính trị được giữ vững, ổn định. “Trong điều kiện nhiều nước có xung đột, tình hình Việt Nam vẫn hết sức ổn định, vì điều 4 (Hiến pháp) đã được thông qua với tỷ lệ hết sức cao”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về những điểm mới của Hiến pháp (sửa đổi), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết có rất nhiều quy định sẽ tạo sự đổi mới cho đất nước. Sự ổn định chế độ chính trị của Việt Nam sẽ là tiền đề cho các chế định về kinh tế, về đầu tư… được đảm bảo. Ngoài điều 4 của Hiến pháp, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của Công đoàn cũng được khẳng định hơn. Vị trí quan trọng của Công đoàn đánh giá sự tin tưởng của nhân dân vào giai cấp công nhân, vào vai trò và vị trí của công đoàn trong sự xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước cũng nêu ra những điểm mới về vai trò của quốc phòng an ninh, vai trò của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước. Theo đó, chế định, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội đã được cụ thể hóa rất nhiều. Đặc biệt là làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước. “Mối quan hệ giữa nhà nước chúng ta không phải là tam quyền phân lập mà là Nhà nước với sự phân công, phối hợp điều hòa và kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Cho nên chế định giữa Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội sẽ làm cho mối quan hệ này sẽ tốt lên, kiểm soát nhau tốt hơn. Và chắc chắn sẽ thực hiện được quyền của Nhà nước, cũng như quyền của Nhân dân được quy định trong Hiến pháp”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan khẳng định.

Dương An