Cơ hội cho doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu

Tại hội nghị “Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 19/4, các chuyên gia kinh tế và đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan đều có góc nhìn lạc quan về cơ hội cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia RCEP.

Hiệp định RCEP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cho rằng, không chỉ Việt Nam, mà các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, RCEP mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu cho các thành viên tham gia.

Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này. Trong so sánh với các FTA (hiệp định thương mại) của ASEAN và ASEAN với các đối tác, RCEP có phạm vi cam kết rộng, được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.

“RCEP gắn với chuỗi cung ứng khu vực giúp Việt Nam hòa mình vào đà phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của Việt Nam từ RCEP cũng phụ thuộc vào khả năng thích ứng của doanh nghiệp khi quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa” - ông Nguyễn Anh Dương khẳng định.

Đại diện Bộ Công thương, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cũng chỉ rõ lợi thế doanh nghiệp Việt Nam có thế tận dụng là quy tắc xuất xứ hàng hóa tham gia RCEP được “nới lỏng” hơn so với các FTA thế hệ mới như CPTPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Việt Nam – EU).

“Cụ thể là RCEP cho phép hàng hóa như hàng dệt may, thủy sản xuất khẩu được nhập nguyên liệu từ các quốc gia ngoài RCEP. “Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện RCEP, Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP, có hiệu lực từ 4/4/2022” - bà Thu Hương cho biết thêm.

Nội luật hóa các cam kết RCEP

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Hằng - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, cho biết hiện nay, lộ trình xóa bỏ thuế và cắt giảm thuế khá dài, 15 đến 20 năm. Theo đó, các nước đối tác xóa bỏ thuế cho Việt Nam với khoảng 87,8% - 98,3% số dòng thuế. Các nước ASEAN xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam với khoảng 85,9% -100% số dòng thuế.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và đang khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành. Điểm khác biệt giữa RCEP với các FTA (quy định biểu thuế chung cho các thành viên tham gia) là cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN và các đối tác được quy định cụ thể biểu thuế cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand.

Đề cập sự sẵn sàng của cơ quan hải quan, đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thể chế để thực hiện đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế những cam kết trong lĩnh vực hải quan.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 11%

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với ngưỡng cơ bản, cao hơn các nước khác tăng chỉ khoảng 2,5%. Tất cả các nước thành viên RCEP đều sẽ chứng kiến xuất khẩu và nhập khẩu tăng, trong đó Việt Nam dự kiến đạt mức tăng xuất khẩu cao nhất với 11,4%. Tương tự, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể, ở mức 9,2%. Lĩnh vực phát triển mạnh nhất là sản xuất xe có động cơ với 18,6%, kế đến là dệt may 16,2% và may mặc 14,9%, chủ yếu do cắt giảm các biện pháp phi thuế quan.