Hong Kong xét nghiệm bắt buộc toàn dân; WHO cảnh báo không chủ quan
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (227.613 ca), Nga (180.622 ca) và Brzil (125.625 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.448 ca), Brazil (1.034 ca) và Nga (790 ca).

Xét từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất với trên 79,8 triệu ca, trong đó trên 954.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với trên 42,7 triệu ca, trong đó 510.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với trên 27,9 triệu ca, trong đó gần 642.000 ca tử vong.

Đầu tuần này, WHO đã hối thúc các chính phủ cải thiện tỷ lệ tiêm phòng và tăng xét nghiệm nhanh, trong bối cảnh biến thể Omicron khiến số ca nhiễm không ngừng tăng, đặc biệt là tại Đông Âu. Một số quốc gia hiện đã thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 trong những tuần tới, nếu số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục giảm. Trước tình hình này, ông Ryan cảnh báo đây chưa phải là thời điểm để các nước điều chỉnh quy định cách ly đối với những người đã có kết quả dương tính khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR.

Tổng thống Thụy Sĩ mắc COVID-19

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 17/1 thông báo Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước này Ignazio Cassis đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thông báo của Chính phủ Thụy Sĩ viết: “Vào cuối giờ chiều 16/2, Tổng thống Liên bang Ignazio Cassis đã trải qua một cuộc xét nghiệm PCR bởi vì ông sẽ tham gia Hội nghị An ninh Munich. Xét nghiệm cho kết quả dương tính và Tổng thống đã tự cách ly vào sáng 17/2 ngay sau khi nhận được thông tin”.

Kể từ ngày 17/2, Thụy Sĩ đã bắt đầu bãi bỏ hầu hết các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc khi đi vào các cửa hàng và nhà hàng, người người dân không cần xuất trình chứng nhận liên quan đến COVID-19 để vào các địa điểm trong nhà, các quy định hạn chế về quy mô của những hoạt động tụ họp riêng tư và các sự kiện lớn cũng được dỡ bỏ.

Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Chính phủ Anh cho biết trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 liều thấp, sau khi Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn của Chính phủ Anh, đưa ra khuyến nghị trên vào ngày 15/2. Trước đó, chỉ những trẻ em ở nhóm tuổi này mắc bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 mới đủ điều kiện tiêm chủng ở vùng England.

Tổng cộng sẽ có khoảng 6 triệu trẻ em trong nhóm tuổi này ở Anh được tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech với liều lượng 10 microgram, nếu nhận được sự đồng ý từ cha mẹ. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất là 12 tuần.

Vaccine ngừa COVID-19, với liều lượng chỉ bằng 1/3 so với người lớn, đã được tiêm rộng rãi cho trẻ em ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ cũng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 8 triệu trẻ em trong độ tuổi này.

Bồ Đào Nha dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang có xu hướng giảm dần, Bồ Đào Nga ngày 17/2 thông báo dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng dịch còn lại, trong đó có yêu cầu trình giấy thông hành COVID-19 để được lưu trú tại khách sạn hay phải có xét nghiệm âm tính mới được đến các câu lạc bộ giải trí ban đêm.

Theo dự thảo quy định mới, người đến nhà hàng, khách sạn hoặc các địa điểm văn hóa sẽ không cần trình chứng nhận COVID (bằng chứng đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính). Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn áp dụng với người nhập cảnh Bồ Đào Nha bằng được hàng không, đường biển hoặc đường bộ.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 6 ở Nhật Bản có xu hướng lắng dịu

Làn sóng lây nhiễm thứ 6 của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nhật Bản đang trong đà lắng dịu dần sau khi đã chạm đỉnh vào đầu tháng 2/2022. Đây là nhận định của chuyên gia Takaji Wakita, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) kiêm Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW).

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/2, ông Wakita dự báo số lượng bệnh nhân nặng và số ca tử vong vì dịch COVID-19 có thể sẽ đạt đỉnh sau khi số ca nhiễm mới đã chạm đỉnh.

Theo ước tính của MHLW, vào thời điểm 31/1, hệ số lây nhiễm thực tế (bình quân số người bị nhiễm từ một người mắc bệnh) ở Nhật Bản là 0,98, lần đầu tiên giảm xuống ngưỡng 1 kể từ ngày 28/11 năm ngoái. Mặc dù vậy, ông Wakita vẫn cảnh báo nếu đà giảm không đáng kể, số ca nhiễm mới có thể sẽ tăng trở lại.

Theo thống kê của MHLW, hiện nay, số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản đã vượt ngưỡng 4 triệu người và đạt mức 4.071.316 ca vào ngày 15/2, trong đó 1 triệu ca đầu tiên được ghi nhận vào tháng 8/2021 và 1 triệu ca tiếp theo được ghi nhận vào ngày 20/1 năm nay. Số ca nhiễm mới ở Nhật Bản chỉ mất 2 tuần để vượt ngưỡng 3 triệu ca vào ngày 3/2 và đã vượt ngưỡng 4 triệu ca vào ngày 15/2. Điều đáng lưu ý là trong tháng 1/2022, có tới 98.000 trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bị mắc COVID-19, trong đó có 51.535 học sinh tiểu học, 24.091 học sinh trung học cơ sở và 18.225 học sinh trung học phổ thông, 3.576 trẻ em mẫu giáo và 998 học sinh ở các trường đặc biệt.

Hong Kong (Trung Quốc) triển khai kế hoạch xét nghiệm bắt buộc toàn dân

Hong Kong xét nghiệm bắt buộc toàn dân; WHO cảnh báo không chủ quan
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền đặc khu đã quyết định tiến hành xét nghiệm bắt buộc 3 lần đối với toàn bộ 7,5 triệu dân kể từ đầu tháng 3.

Chính quyền Hong Kong sẽ sắp xếp lịch xét nghiệm dựa vào số chứng minh nhân dân (ID) của người dân, lên kế hoạch hoàn thành xét nghiệm cho 7,5 triệu dân trong vòng 1 tuần, thực hiện liên tục trong 3 tuần, nghĩa là mỗi ngày xét nghiệm 1 triệu người và mỗi người sẽ xét nghiệm 3 lần trong 3 tuần.

Phương án tổng thể là thành lập 100 điểm xét nghiệm ở Hong Kong, hoạt động ít nhất 14 tiếng/ngày. Người dân chỉ cần đến địa điểm được chỉ định để xét nghiệm theo lịch hẹn. Mục tiêu của chính quyền đặc khu là đưa toàn bộ người mắc COVID-19 đến các cơ sở cách ly vào cuối tháng 3, không để Hong Kong phải phong tỏa toàn thành phố.

Đợt xét nghiệm lần này là bắt buộc, những người không tiến hành xét nghiệm theo quy định sẽ bị phạt 10.000 HKD (khoảng 1.280 USD). Chính quyền có thể phát hiện những người không xét nghiệm dựa vào thông tin ID, mà không cần áp dụng bất cứ thông tin cá nhân nào khác. Nếu người dân không đi xét nghiệm, có thể sẽ bị xử phạt dưới các hình thức như không thể đăng ký hoặc đổi biển số xe, không thể đăng ký số điện thoại di động theo tên thật… Người vi phạm cũng có thể bị xử phạt ngay tại chỗ, thậm chí bắt giữ nếu cảnh sát kiểm tra ID và phát hiện.

Israel sắp dỡ bỏ quy định về Thẻ Xanh

Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 17/2 cho biết nước này sẽ không gia hạn quy định áp dụng hệ thống Thẻ Xanh COVID-19 sau ngày 1/3 tới, trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân và các ca nặng đang giảm mạnh.

Thông báo trên được đưa ra tại cuộc họp thảo luận về các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong thời gian tới. Nội dung cuộc họp tập trung vào những biện pháp mà Israel nên thực hiện trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã vượt đỉnh, nhằm duy trì cuộc sống bình thường, đồng thời duy trì tinh thần cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với những làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy tính đến ngày 17/2, quốc gia Do Thái đã ghi nhận tổng cộng 3.508222 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.768 người tử vong. Hiện nay, Israel có hơn 168.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 858 ca nặng.

Đến nay, Israel đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 6,7 triệu người trong tổng dân số gần 9,5 triệu. Trong số này, hơn 6,1 triệu người đã được tiêm 2 liều vaccine, hơn 4,4 triệu người được tiêm 3 liều và hơn 700.000 người được tiêm 4 liều.

Indonesia mở rộng các dịch vụ y tế từ xa

Bộ Y tế Indonesia cho biết sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ y tế từ xa miễn phí dành cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà bên ngoài hai hòn đảo Java và Bali đông dân kể từ ngày 19/2 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/2, ông Setiaji, Giám đốc Văn phòng chuyển đổi số thuộc Bộ Y tế Indonesia, cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh tại các đảo Sumatra, Kalimantan và Sulawesi.

Người dân Malaysia xem đại dịch COVID-19 là nguy cơ trực tiếp nhất với ASEAN

Hong Kong xét nghiệm bắt buộc toàn dân; WHO cảnh báo không chủ quan
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/2/2022

Một cuộc khảo sát quy mô được tiến hành gần đây cho biết gần 80% số người Malaysia được hỏi cho rằng đại dịch COVID-19 là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với ASEAN.

Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN có trụ sở tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) công bố ngày 16/2 cho thấy 57,8% người Malaysia được hỏi cho rằng các nước ASEAN phải coi thất nghiệp và suy thoái kinh tế là một thách thức nghiêm trọng. Tiếp theo là bất ổn chính trị trong khu vực (50,4%), căng thẳng quân sự gia tăng (28,9%), chênh lệch kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu (26,7% mỗi nước), điều kiện nhân quyền xấu đi (20,7%), khủng bố (11,1%).

Mối quan tâm của người Malaysia về COVID-19 thu hút khoảng 75,4% số người được hỏi, cho rằng đây là mối đe dọa lớn nhất, hơn hẳn tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế . Lo ngại về khả năng ASEAN khó vượt qua các thách thức đại dịch hiện tại được 49,0% người được hỏi quan tâm.

Báo cáo cho biết vấn đề quan trọng khác đối với Đông Nam Á là sự cấp bách trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến khu vực vào năm 2021.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 11/11 đến 31/12/2021 đã thu hút 1.677 người tham gia với 8,1% trong số họ đến từ Malaysia. Hầu hết những người được hỏi là học giả, từ các tổ chức tư vấn hoặc cơ quan nghiên cứu.

Thành lập vào năm 1968, Viện ISEAS-Yusof Ishak là một Trung tâm khu vực chuyên nghiên cứu các xu hướng và phát triển chính trị - xã hội, an ninh và kinh tế ở Đông Nam Á cũng như môi trường địa chiến lược và kinh tế rộng lớn hơn của khu vực này.

Australia cấp phép sử dụng vaccine của Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi

Cơ quan quản lý dược phẩm của Australia (TGA) ngày 17/2 thông báo đã cấp phép tạm thời sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna, mang tên SPIKEVAX, cho trẻ từ 6-11 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi TGA đã cấp phép sử dụng tạm thời vaccine này cho người từ 12 tuổi trở lên hồi tháng 9/2021.

Thông báo của TGA nêu rõ: "Cũng như các nhóm tuổi khác, việc sử dụng vaccine này cho trẻ từ 6-11 tuổi sẽ được thực hiện với quy trình tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 28 ngày". Tuy nhiên, mỗi mũi tiêm sẽ sử dụng lượng ít hơn là 0,25ml cho trẻ từ 6-11 tuổi, so với 0,5ml sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên.

Như vậy, hiện vaccine SPIKEVAX sẽ cùng với vaccine của hãng Pfizer được khuyến nghị sử dụng cho trẻ em tại Australia./.