Theo đó, Thông tư 111 quy định, ngoài các điều khoản và điều kiện trái phiếu được quy định tại Điều 6 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.

Cụ thể, về kỳ hạn, tín phiếu kho bạc có các kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần và 52 tuần; trái phiếu kho bạc và công trái xây dựng tổ quốc có các kỳ hạn chuẩn là 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Ngoài ra, Bộ Tài chính quy định việc phát hành các kỳ hạn chuẩn khác của trái phiếu trong trường hợp cần thiết. Dựa theo các quy định này và mục tiêu quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước quy định các kỳ hạn cụ thể của trái phiếu cho từng đợt phát hành.

Về mệnh giá, trái phiếu có mệnh giá là 100.000 đồng. Các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng. Riêng đối với mệnh giá của trái phiếu ngoại tệ, Bộ Tài chính quy định cụ thể đối với mỗi đợt phát hành theo Đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ được Thủ tướng phê duyệt.

Thông tư 111 quy định, lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể là lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi theo thông báo của Kho bạc Nhà nước tại thời điểm phát hành. Trường hợp lãi suất danh nghĩa của trái phiếu là lãi suất thả nổi, Bộ Tài chính thông báo lãi suất tham chiếu và cách xác định giá bán trái phiếu tại từng đợt phát hành.

Thông tư cho biết thêm, hàng năm, căn cứ điều kiện trở thành thành viên tham gia đấu thầu phát hành trái phiếu và tiêu chí đánh giá hoạt động của thành viên đấu thầu quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 14 Thông tư này, Bộ Tài chính lựa chọn và công bố danh sách thành viên đấu thầu. Danh sách thành viên đấu thầu được công bố trước ngày 31/12 hàng năm trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được công nhận là thành viên đấu thầu, cụ thể như sau: Được tham gia dự thầu trực tiếp không cạnh tranh lãi suất; được tham gia dự thầu cạnh tranh lãi suất thông qua thành viên đấu thầu khác; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không phải tuân thủ các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Về điều kiện đăng ký mới thành viên đấu thầu, Thông tư quy định: Là các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đồng thời, có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật liên quan; có thời gian hoạt động tối thiểu là 3 năm. Trường hợp tổ chức nhận sáp nhập hoặc hình thành sau chia, tách, hợp nhất thì thời gian hoạt động được tính cả thời gian trước khi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất.

Bên cạnh đó, các đơn vị này phải là thành viên thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt tại Sở Giao dịch chứng khoán và tham gia mua hoặc môi giới mua, bán trái phiếu trên thị trường sơ cấp hoặc trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu theo quy định của Bộ Tài chính…

Thông tư quy định, ngân sách trung ương đảm bảo nguồn để thanh toán phí tổ chức phát hành, phí thanh toán lãi, gốc trái phiếu và phí in chứng chỉ trái phiếu (nếu có).

Phí tổ chức phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu phát hành theo phương thức bảo lãnh phát hành, đấu thầu được thanh toán cho các tổ chức sau: 0,025% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu được chi trả cho Sở GDCK; tối đa 0,1% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức bảo lãnh được thanh toán cho tổ chức bảo lãnh chính; 0,02% giá trị lãi, gốc trái phiếu thực hiện thanh toán qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được chi trả cho Trung tâm này; 0,004% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành được chi trả cho Kho bạc Nhà nước;...

Thông tư này thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BTC ngày 8/2/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước; Thông tư số 203/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 17./.

Xem toàn bộ Thông tư 111 tại đây.

Đàm Tuấn