Theo ông Vũ Đức Chính, Việt Nam là một nền kinh tế mở, đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, vì thế việc áp dụng IFRS tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu và Chính phủ đang theo đuổi mục tiêu đưa IFRS vào Việt Nam.

IASB chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Cũng theo ông Vũ Đức Chính, lợi ích của IFRS rất rõ ràng, tuy nhiên Việt Nam là nước mới tiếp cận với IFRS, nên còn gặp nhiều khó khăn thách thức trong quá trình áp dụng như: thiếu nguồn nhân lực hiểu chuyên sâu về IFRS, chi phí đầu tư ban đầu lớn, tạo dựng thói quen mới, nhất là về mặt tư duy cho người làm công tác kế toán…

Ông Vũ Đức Chính nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay, với vai trò là cơ quan ban hành chuẩn mực, Bộ Tài chính luôn quan tâm đến giải pháp làm sao cho các doanh nghiệp áp dụng thành công IFRS.

Buổi làm việc hôm nay, phía Bộ Tài chính sẽ lắng nghe kinh nghiệm cá nhân của bà Linda Mezon-Hutter, cùng những kinh nghiệm tốt của các quốc gia đi trước trong áp dụng IFRS và coi đó là bài học, sẽ ghi nhận và tham mưu Chính phủ về một giải pháp, một chặng đường, kế hoạch phù hợp nhất đối với Việt Nam, ông Vũ Đức Chính phát biểu.

Thông tin tại buổi làm việc, bà Linda Mezon-Hutter - Phó Chủ tịch IASB cho biết, ngay khi nắm được thông tin Việt Nam chuẩn bị áp dụng IFRS, phía IASB đã rất mong muốn được chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm các nước khác đã áp dụng để đưa ra những nội dung phù hợp với số lượng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, bà Linda Mezon-Hutter hy vọng buổi làm việc sẽ đem đến cho Việt Nam những trao đổi thực sự hữu ích.

Để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng IFRS tại Việt Nam, bà Linda Mezon-Hutter khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá, phân tích chi tiết sự khác biệt giữa IFRS và các chuẩn mực, quy định trong nước, có thể nghiên cứu ban hành các tài liệu đánh giá và phân tích những điểm khác biệt giữa Chuẩn mực trong nước và IFRS để công bố cho công chúng.

IASB chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Bà Linda Mezon-Hutter - Phó Chủ tịch IASB trao đổi, cập nhật mới nhất của IASB về các dự án sửa đổi, bổ sung IFRS. Ảnh: Đức Minh

Đồng thời, khuyến nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, trong đó xác định được thời gian để thực hiện việc chuyển đổi sang IFRS và dự trù chi phí thực hiện; xây dựng và chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc chuyển đổi.

Nghiên cứu, đào tạo về IFRS cho đội ngũ nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán, cũng như các doanh nghiệp triển khai áp dụng. Tối đa hóa việc tận dụng các nguồn lực từ phía chuyên gia của các công ty kế toán, kiểm toán lớn (Big 4) trên thế giới và trong khu vực, có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn áp dụng IFRS.

Theo bà Linda Mezon-Hutter, việc phân loại doanh nghiệp theo quy mô như Việt Nam đang làm là rất quan trọng, vì không phải doanh nghiệp nào năng lực cũng giống nhau. Yếu tố này theo Phó Chủ tịch IASB, là điều cần thiết và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình áp dụng IFRS, thêm vào đó, bà Linda Mezon-Hutter bày tỏ thấu hiểu việc Việt Nam cân nhắc yếu tố chi phí và lợi ích là tất yếu.

Ngay sau buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Trịnh Đức Vinh cùng đại diện các phòng chức năng, đại diện Câu lạc bộ kế toán trưởng, Pwc Việt Nam, ACCA Việt Nam và bà Linda Mezon-Hutter đã thảo luận và trao đổi các vấn đề về kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế áp dụng thành công IFRS của một số quốc gia, đồng thời cập nhật mới nhất của IASB về các dự án sửa đổi, bổ sung IFRS.

Chiều cùng ngày, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán phối hợp với Uỷ ban Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IASB) tổ chức hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm thảo luận và trao đổi về một số nội dung liên quan đến xây dựng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, gồm: Dự thảo IFRS 18 - Trình bày báo cáo tài chính (thay thế IAS 01); IFRS 19 - Các công ty con không có trách nhiệm với công ychúng; IFRS 03 - Hợp nhất kinh doanh (lợi thế thương mại và suy giảm giá trị; Thỏa thuận theo sức mua tương đương); Sử dụng IFRS cho đơn vị không có lợi ích công chúng.