Để thích ứng với dịch Covid-19, cần tiếp tục tập trung kích cầu thị trường khách nội địa với các sản phẩm mới và dịch vụ chất lượng. Ảnh: Q.H

Nhiều sản phẩm mới ra đời

Với một số doanh nghiệp, dịch Covid-19 là lúc nhìn lại để tìm hướng đi thích hợp trong bối cảnh mới. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu được đi du lịch trở lại của người dân sẽ tăng cao hơn, nhưng thay vì tự do lựa chọn những điểm đến theo sở thích như trước, du khách sẽ để tâm hơn đến yếu tố an toàn.

Nắm bắt được sự thay đổi trong nhu cầu của du khách chính là cách để các doanh nghiệp du lịch có thể thiết kế những gói sản phẩm phù hợp, giúp du khách yên tâm về tâm lý và thoải mái khi trải nghiệm dịch vụ. Ðây cũng là cách giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới.

Bà Thanh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Cầu (Hà Nội) cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ triển khai xây dựng các sản phẩm mới như: Sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh... Đây là dòng sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế vào năm ngoái.

Khai thác thị trường du lịch nội địa bằng nhiều sản phẩm mới
Sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng đang được nhiều du khách quan tâm. Ảnh: Q.H

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thể thao, giải trí cũng trở nên phổ biến hơn do nhu cầu rèn luyện sức khỏe của du khách ngày càng tăng. Một xu hướng đang “lên ngôi” khác là du lịch thông minh với các trải nghiệm đa dạng bằng công nghệ số, thực tế ảo... khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, các khách hàng là doanh nghiệp cũng có nhu cầu khá lớn đối với du lịch. Công ty lữ hành nên phối hợp với các khu điểm vui chơi giải trí, khách sạn, địa điểm tham quan để hình thành các gói sản phẩm hội thảo, hội nghị, team building kết hợp du lịch tùy theo nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp, bà Tâm cho biết thêm.

Địa phương cùng chung tay với doanh nghiệp

Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới và dịch vụ chất lượng cao là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần sự giúp đỡ rất lớn của các sở, ban, ngành tại địa phương trong công tác quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành đưa sản phẩm của mình đến khách hàng.

Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chia sẻ, để có thể phục hồi trong năm 2021, ngành du lịch tại các địa phương cần tổ chức cụ thể chương trình liên kết giữa hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ; các đơn vị cung ứng dịch vụ, các đơn vị lữ hành và khách sạn, các điểm mua sắm… để triển khai gói kích cầu quy mô lớn phạm vi cả nước với các sản phẩm, dịch vụ có chính sách giá tốt thu hút du khách.

Song song với công tác phòng chống dịch Covid-19, thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sắp tới Sở sẽ chung tay với doanh nghiệp để xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa như: Nhóm sản phẩm du lịch di sản; nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp); nhóm sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Hà Nội; sản phẩm dành cho người Hà Nội tại các khách sạn 4 - 5 sao và chuỗi sự kiện du lịch thường niên như Lễ hội kích cầu du lịch nội địa, Lễ hội du lịch làng nghề phố nghề Hà Nội, Lễ hội hoa Anh đào...

Còn tại Quảng Ninh, UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách kích cầu du lịch cả năm 2021, trong đó miễn phí tham quan vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử vào những ngày lễ; giảm 50% giá vé vào điểm tham quan trên; hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Hạ Long đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP. Uông Bí) và ngược lại./.

Quang Huy