Nguồn vốn các CTMTQG đã làm đổi thay diện mạo các xã nông thôn. Ảnh tư liệu |
Khởi sắc các vùng quê
Thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn. Do đó, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Cần đẩy nhanh tốc độ giải ngânVới đa phần các địa phương đều đang có tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đang thấp, trong khi nguồn vốn này lại là “cơ hội” để giúp các xã, thôn “thay da, đổi thịt”. Bài toán đặt ra đối với các địa phương lúc này là cần phải có sự bứt phá trong giải pháp để nhanh chóng “hấp thụ” hết nguồn vốn này. |
Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là một minh chứng cụ thể. Giai đoạn 2019-2014, huyện được giao 281,59 tỷ đồng thực hiện 3 CTMTQG. Trong đó, CTMTQG xây dựng nông thôn mới 65,7 tỷ đồng; giảm nghèo bền vững 18,76 tỷ đồng; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 197,09 tỷ đồng. Khi nhận nguồn vốn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của người dân, triển khai đầu tư đúng địa bàn, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào dân tộc. Từ đó, huyện đã đầu tư thực hiện 90 công trình (61 công trình thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, 29 công trình xây dựng NTM).
Nguồn vốn các CTMTQG đã làm đổi thay diện mạo các xã nông thôn của huyện Phù Yên. Đến hết tháng 6/2024, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM; 150 tuyến đường được bê tông hóa; 100% xã có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; trên 95% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có trạm y tế, bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân… Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện đã giảm còn 24,31% trong năm 2023.
Đặc biệt, huyện Phù Yên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn các CTMTQG, triển khai các dự án sản xuất, chăn nuôi góp phần chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nhân dân từng bước được ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vì thế đời sống ngày càng được cải thiện.
Tại tỉnh Thái Nguyên, với quyết tâm cao, nỗ lực trong việc triển khai 3 CTMTQG của các cấp, các ngành và với sự đồng lòng của người dân, kết thúc năm 2023, tỉnh đã đưa 118/126 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 93,65%), 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,02%.
Gỡ khó để giải ngân nhanh nguồn vốn
Mặc dù lợi ích của các CTMTQG mang lại cho người dân rất lớn và các địa phương đang rất nỗ lực giải ngân nguồn vốn này, nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết tháng 7 vừa qua, mới chỉ có 7 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%, còn lại đều đạt thấp. Thậm chí hiện còn 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.
Theo báo cáo từ các địa phương thụ hưởng CTMTQG, có rất nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của nguồn vốn này, nhưng có lẽ nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc phải áp dụng quá nhiều văn bản, nên tại mỗi địa phương đã có cách hiểu, cách làm khác nhau trong triển khai thực hiện. Hơn nữa, một số cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo mới nắm bắt được công việc thì được điều sang vị trí công tác khác, người mới thay thế phải cần thêm thời gian để nắm bắt công việc, từ đó đã gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đơn cử như huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La hiện đang còn một số nội dung chưa giải ngân được như: hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; tiểu dự án bảo tồn lễ hội cầu mùa của dân tộc Mông… Nguyên nhân là do một số dự án, tiểu dự án mặc dù đã có nội dung quy định về định mức, hướng dẫn ban hành, nhưng nội dung trích dẫn lại liên quan đến nhiều văn bản khác đã gây khó trong thực hiện. Hơn nữa, các xã và cộng đồng dân cư thiếu chủ động trong nghiên cứu, đề xuất, lựa chọn dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo.
Đặc biệt, theo báo cáo từ UBND xã Phù Yên, hoạt động của Ban chỉ đạo các CTMTQG một số xã trong huyện còn hạn chế, các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng, việc lập kế hoạch triển khai chính sách còn chậm.
Khắc phục những hạn chế trong giải ngân nguồn vốn CTMTQG, huyện Phù Yên đang tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục thực hiện các tiêu chí NTM đã đăng ký. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện các dự án thuộc CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, đẩy mạnh giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp đối với các dự án, tiểu dự án chưa giải ngân nhưng đã xác định được nội dung, định mức chi và các dự án thành phần của chương trình đảm bảo đúng quy trình và tiến độ.
Tại tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh giải ngân vốn 3 CTMTQG kế hoạch năm 2024 được 24,856 tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch vốn đối với nguồn ngân sách trung ương phân bổ. Do triển khai chậm nên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, TP. Cà Mau thường xuyên rà soát, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc địa phương, đơn vị có giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh này cũng yêu cầu các sở, ngành được phân giao phụ trách các chỉ tiêu, tiêu chí và địa bàn quản lý thuộc CTMTQG xây dựng NTM tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện, nhất là đối với các nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí có quy định mới, chuẩn cao hơn, khó thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ khắc phục việc rớt chuẩn, hụt chuẩn, nâng chất các tiêu chí, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và giai đoạn 2021-2025./.