Khẳng định vị thế, vai trò trong hoạt động dự trữ nhà nước
Kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Lâm Đồng. Ảnh: TẤN HÙNG

Không ngừng lớn mạnh

Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nam Tây Nguyên (tiền thân là Chi cục Dự trữ Tây Nguyên) được thành lập ngày 26/5/1992. Qua 31 năm xây dựng và phát triển, đơn vị đã lớn mạnh về mọi mặt.

Ông Nguyễn Nam Thắng - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên chia sẻ, trong những ngày đầu mới thành lập, hệ thống kho tàng của đơn vị được tiếp nhận chủ yếu từ Tổng kho 3 của Chi cục III (nay là Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ) và Cụm kho C.443 (Gia Lai - Kon Tum) của Chi cục V (nay là Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình).

Thời điểm đó, cục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đơn vị chỉ có 3 phòng nghiệp vụ và 2 tổng kho trực thuộc. Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động gần như bắt đầu từ con số “không”, hệ thống kho cũ, xuống cấp, tích lượng thấp. Mặt hàng dự trữ chủ yếu là thóc bảo quản bằng phương pháp đổ rời.

Đội ngũ cán bộ công chức chỉ có một số ít, nguyên là cán bộ của Tổng kho 3 và C.443 (Gia Lai – Kon Tum) chuyển qua, còn lại đa số là chưa qua đào tạo nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn về bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Năm 2004, đơn vị được đổi tên thành Dự trữ Quốc gia (DTQG) khu vực Tây Nguyên. Từ năm 2009 cho đến nay, DTQG khu vực Tây Nguyên được đổi tên và tách ra thành 2 đơn vị là: Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên và Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên.

Chung sức đồng lòng xây dựng phát triển đơn vị

“Nhận thức được những khó khăn, thách thức to lớn nhưng với tinh thần đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, đổi mới tư duy, sáng tạo trong công việc, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã chung sức đồng lòng cùng nhau đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển hiện nay của đơn vị” - Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên Nguyễn Nam Thắng bày tỏ.

Trải qua 31 năm dưới “mái nhà” của ngành Dự trữ, mặc dù tên đơn vị ở từng giai đoạn có khác nhau, phạm vi địa bàn quản lý có thay đổi, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên vẫn luôn nỗ lực thi đua, phấn đấu, cống hiến, trọn vẹn với sứ mệnh quản lý hàng DTQG.

Đến nay tổ chức bộ máy đơn vị đã được kiện toàn ổn định theo đúng chức năng, nhiệm vụ, gồm ban lãnh đạo; 5 phòng nghiệp vụ và 2 chi cục DTNN trực thuộc (Chi cục DTNN ĐắK Lắk và Chi cục DTNN Lâm Đồng). Đội ngũ cán bộ công chức toàn đơn vị hiện nay là 61 người, với chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ngày càng được nâng cao.

Quản lý an toàn hàng dự trữ, xuất cấp kịp thời

Theo ông Nguyễn Nam Thắng, được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Tổng cục DTNN, hệ thống kho DTQG của đơn vị đã từng bước được cải tạo, sửa chữa xây mới với tổng tích lượng quy đổi hơn 20.000 tấn (trong năm 2023, hoàn thành xây dựng 2 kho DTQG với tổng tích lượng là 5.000 tấn và nhà điều hành tại tỉnh Đắk Nông), trụ sở làm việc khang trang.

Bên cạnh đó, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên là đơn vị quản lý hàng DTQG tổng hợp gồm: lương thực, các loại vật tư cứu hộ, cứu nạn (phao áo cứu sinh, phao tròn cứu sinh, thiết bị chữa cháy rừng, máy khoan phá bê tông, máy phát điện, nhà bạt...) nên đơn vị hết sức chú trọng việc bảo quản. Từ chỗ thí điểm bảo quản gạo trong môi trường CO2, yếm khí, thí điểm bảo quản gạo trong môi trường khí N2, đến nay đã triển khai bảo quản 100% gạo DTQG trong môi trường khí N2. Trong công tác bảo quản, đơn vị luôn duy trì phong trào “3 nhất” - chất lượng tốt nhất, thời gian dài nhất và chi phí thấp nhất.

“Công tác bảo đảm an toàn, chất lượng hàng DTQG nhập kho luôn được Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đặt lên hàng đầu, thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn do Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN quy định, do đó hàng DTQG khi được giao đến người thụ hưởng luôn được kịp thời, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng” - ông Nguyễn Nam Thắng khẳng định.

Ông Nguyễn Nam Thắng cho biết, với chức năng trực tiếp quản lý hàng DTQG và quản lý nhà nước về hoạt động DTNN trên địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; thực hiện nhiệm vụ mua, bán, nhập, xuất hàng dự trữ phục vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn..., thời gian qua, đơn vị đã không ngừng chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, triển khai áp dụng các kỹ thuật hiện đại, công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian lưu kho đối với hàng DTQG.

Luôn là một trong số đơn vị tiêu biểu của ngành Dự trữ

Thành tựu nổi bật nhất là DTNN khu vực Nam Tây Nguyên luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mua nhập kho DTQG, xuất cấp hàng DTQG, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bình ổn thị trường theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Việc xuất hàng DTQG đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội.

Công tác cứu trợ, hỗ trợ góp phần bảo đảm an sinh xã hội cũng luôn được cán bộ, công chức Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Khi xảy ra thiên tai, bão lũ..., các cán bộ, công chức trong đơn vị luôn trong tư thế chủ động, linh hoạt, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, không quản ngày đêm kịp thời thực hiện xuất cấp và vận chuyển lương thực đến người dân nhanh nhất, kịp thời nhất, an toàn nhất” - ông Nguyễn Nam Thắng Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên chia sẻ.

Từ khi thành lập đến nay, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã xuất gạo hỗ trợ nhân dân và học sinh hơn 7,181 triệu tấn gạo; xuất cấp hơn 10.298 triệu thiết bị, vật tư ( bao gồm: nhà bạt, phao tròn, phao áo, thiết bị chữa cháy rừng, máy phát điện).

Riêng trong năm 2022, cục đã hoàn thành việc xuất cấp gạo hỗ trợ nhân dân trong các dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gần 4.300 tấn gạo; xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh gần 2.700 tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2023, cục đã hoàn thành xuất cấp cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, Binh đoàn 15, Học viện Lục quân với 2.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 500 chiếc phao áo cứu sinh, 6 bộ máy bơm nước chữa cháy (bao gồm cả thiết bị đồng bộ chữa cháy).

Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên cũng là một trong số đơn vị tiêu biểu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ tin học trong quản lý; bảo đảm hiệu quả trong công tác tài chính kế toán; công tác an ninh bảo vệ;… Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao thì công tác xã hội luôn được các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo cục phối hợp với công đoàn cơ sở, Hội Cựu chiến binh cục quan tâm, duy trì thực hiện hàng năm.

Trong 31 năm qua, với những nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, nhiều tập thể và cá nhân đã được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương với nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Cục trưởng Nguyễn Nam Thắng khẳng định, với truyền thống đoàn kết, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị mà Tổng cục DTNN giao, sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ động dự báo tình hình, rà soát, đề xuất nhu cầu về lương thực, vật tư cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân.