Việc phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) được Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện từ năm 2014 với 4 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM): Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Năm 2017, KBNN tiếp tục tổ chức phối hợp thu với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB).

Kho bạc Nhà nước tiếp tục mở rộng phối hợp thu qua ngân hàng
Kho bạc Nhà nước tạo điều kiện cho người nộp thuế qua tài khoản chuyên thu mở tại các ngân hàng thương mại. Ảnh: H.T

Việc phối hợp thu ngân sách với 5 hệ thống NHTM được coi là bước chuyển mạnh mẽ của Kho bạc trong việc thu, nộp NSNN. Theo đó, với tài khoản chuyên thu của KBNN tại mỗi ngân hàng này đã giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách 24/7 tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách còn dưới 5 phút/giao dịch; tốc độ luân chuyển thông tin thu giữa KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan và NHTM gần như tức thời. Việc hiện đại hóa và đa dạng phương thức thu đã giúp giảm thiểu chi phí tổ chức thu ngân sách.

Việc Kho bạc Nhà nước mở rộng phối hợp thu ngân sách với các NHTM thời gian qua đã giúp khách hàng ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Điều này cũng khẳng định, việc cải cách của Kho bạc Nhà nước đã theo đúng mục tiêu và yêu cầu đặt ra.

Trong những năm gần đây, KBNN tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu của KBNN tại các NHTM cổ phần có đủ điều kiện theo quy định trong việc phối hợp thu. Đến nay, KBNN đã mở tài khoản chuyên thu tại 20 NHTM (ngoài 5 NHTM nêu trên còn thêm các NH: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng An Bình; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)…

Kho bạc Nhà nước cho biết, việc mở rộng phối hợp thu ngân sách với các NHTM thời gian qua đã giúp khách hàng ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Điều này cũng khẳng định, việc cải cách của KBNN đã theo đúng mục tiêu và yêu cầu đặt ra.

Hoạt động này nhằm góp phần hiện đại hóa phương thức thu NSNN; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp.

Bên cạnh đó, KBNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách, tập trung nhanh nguồn thu vào ngân sách và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch với KBNN.

Theo Chiến lược phát triển KBNN tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước./.