Điểm đáng chú ý của Thông tư là bãi bỏ Điều 6, Điều 7 về việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường và việc hỗ trợ di dời đối với hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở không đủ điều kiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.

Không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước phải di dời
Quy định mới đã bãi bỏ việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước phải di dời. Ảnh TL minh họa

Ngoài việc bãi bỏ Điều 6, Điều 7, Thông tư 125 đã sửa đổi việc lập báo cáo kê khai, tổng hợp và lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Theo đó, cơ quan tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất lập báo cáo kê khai (bao gồm các thông tin diện tích, hồ sơ pháp lý, mục đích sử dụng, hiện trạng sử dụng và phương án đề xuất) theo đúng mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý gửi kèm tài liệu xác định nguyên giá tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại NĐ 167/2017/NĐ-CP… Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất; cơ quan, doanh nghiệp có nhiệm vụ tổng hợp phương án sắp xếp lại, xử lý; cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin báo cáo.

Về việc xử lý chuyển tiếp, Thông tư 125 sửa đổi quy định theo hướng, việc xử lý chuyển tiếp đối với nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước ngày 1/1/2018 thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Về điều khoản thi hành, Thông tư 125 cũng sửa đổi khoản 6, Điều 11 tại Thông tư 137 về trách nhiệm tổ chức thực hiện. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định và tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản công.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định; tổ chức theo dõi, đôn đốc kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý và nhà, đất thuộc trung ương, địa phương khác quản lý trên địa bàn địa phương mình đối với nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của địa phương đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản công.

Trường hợp qua kiểm tra, rà soát phát hiện việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa đúng quy định phải kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022. Việc xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp phát sinh từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày 1/9/2021 theo Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện như sau: Nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Nhà, đất đã được phê duyệt phương án chuyển mục đích sử dụng đất; Nhà, đất được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo các phương án khác thực hiện theo các quy định tại Điều 2, Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bạn đọc có thể xem toàn văn Thông tư 125/2021/TT- BTC tại đây.