TT

Theo Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2021, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp tháng 9 tới, mới đây, Ủy ban Kinh tế đã họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật.

Bổ sung tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật là cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra… Hơn nữa, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, tập trung sửa đổi, thể chế hóa 7 nhóm chính sách lớn. Trong đó, dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, phân loại các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Nội dung về hợp đồng bảo hiểm cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.

Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện; bổ sung quy định về an toàn tài chính.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.

Đồng thời, dự thảo bổ sung 1 chương về bảo hiểm vi mô, quy định rõ các đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô, các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm "doanh nghiệp bảo hiểm" và "tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô". Tổ chức tương hỗ, với đặc thù chỉ cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên của tổ chức, sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ của mô hình này.

Tăng tính chủ động trong kinh doanh cho doanh nghiệp

Về hoạt động nghiệp vụ, dự thảo luật bổ sung các quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc) nhằm tạo chủ động trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cho ý kiến tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình UBTVQH cho ý kiến và Quốc hội xem xét, thảo luận. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động nhất là với các nội dung mới của dự thảo Luật như bảo hiểm vi mô, mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin…

Quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bảo hiểm gia nhập thị trường và hoạt động thuận lợi, minh bạch, vừa phòng ngừa rủi ro vừa lành mạnh hóa môi trường đầu tư, phát triển được một kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Cần hài hòa lợi ích các bên, không "trói" doanh nghiệp bằng những quy định về thủ tục, giấy phép, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hướng đến khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Theo cơ quan thẩm tra, dự án Luật có liên quan đến 46 luật khác nên cần phải rà soát để bảo đảm đồng bộ, trong đó đề nghị tập trung vào Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán. Đồng thời tiếp tục rà soát các vướng mắc thực tiễn và các cam kết quốc tế./.

Dương An