Thị trường vẫn giằng co vì thanh khoản yếu

Thị trường chứng khoán trong nước có 3 phiên giảm liên tiếp do tác động từ thông tin của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp bàn về lãi suất. Việc lãnh đạo FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và đặc biệt truyền thông điệp lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao, nên khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất trong thời gian tới đã khiến các thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ.

Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ sau động thái của FED tiếp tục khiến thị trường trong nước giảm điểm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, chỉ số VN-Index thêm một lần nữa đóng cửa dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 1.000 điểm, giảm -22,66 điểm, dừng lại ở 997,15 điểm. Trên thực thế, mức giảm của chỉ số VN-Index đã thu hẹp đáng kể trong phiên chiều nhờ dòng tiền bắt đáy, còn trong phiên sáng có thời điểm chỉ số này đã giảm tới hơn 40 điểm.

Mức P/E của VN-Index so với các thị trường trong khu vực. Nguồn: Bloomberg, BSC.
Mức P/E của VN-Index so với các thị trường trong khu vực. Nguồn: Bloomberg, BSC.

Nhiều chuyên gia đều nhận định, cùng với tâm lý được cải thiện, điều thị trường chứng khoán cần nhất hiện nay là chờ tín hiệu thanh khoản tích cực trở lại. Hiện tại, mặc dù việc thị trường luôn xuất hiện lực cầu bắt đáy mỗi khi giá giảm mạnh, nhưng sự căng thẳng của thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế nói chung vẫn chưa có nhiều cải thiện. Dòng tiền bắt đáy là tích cực, nhưng chủ yếu là dòng tiền theo trường phái đầu tư ngắn hạn và khó tạo được xu hướng rõ ràng cho điểm số.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh tăng lãi suất đang gây áp lực không nhỏ đến ổn định tỷ giá, lãi suất tại các nước, trong đó có Việt Nam. Trước áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành thêm 2% trong vòng 1 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhanh, cùng với rủi ro cần theo dõi thêm khiến cho thị trường chứng khoán giảm sức hấp dẫn, mặc dù các chỉ số định giá cơ bản của VN-Index đang giảm về vùng thấp như năm 2020. “Niềm tin trên thị trường chứng khoán vẫn đang bị thử thách trước những tin đồn và thị trường đang đi vào vùng thời gian không có thông tin hỗ trợ” - chuyên gia của BSC cho hay.

Kịch bản vẫn xoay quanh mốc VN-Index 1.000 điểm

Thị trường chứng khoán tháng 11/2022 không thực sự được hậu thuẫn bởi nhiều thông tin tích cực. Thị trường vẫn được sự hỗ trợ mang tính nền tảng của kinh tế vĩ mô, khi dự báo tăng GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và gói phục hồi kinh tế - xã hội cuối năm.

Bên cạnh đó, dù điểm quan trọng nhất vẫn là dòng tiền, nhưng mức định giá của thị trường đã về mức rất hấp dẫn. Theo đó, mức P/E của VN-Index kết thúc tháng 10 ở mức 10,9 lần, giảm -9,9% so với tháng 9 và cũng là mức thấp tương đương giai đoạn tháng 3/2020 (thị trường giảm mạnh vì Covid-19). Theo thông tin từ BSC, mức P/E VN-Index cuối tháng 10 đã giảm thêm 2 bậc về thứ 5 của các châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 13,3 lần, đứng thứ 10 khu vực.

Nhà đầu tư nên duy trì hướng đầu tư tích lũy, thận trọng

Theo các chuyên gia của BSC, thị trường chứng khoán trong nước tháng 11 vẫn chưa có thay đổi lớn và tiếp tục khuyến nghị theo hướng đầu tư tích lũy thận trọng tại một số nhóm ngành có thể hưởng lợi bởi quyết định tăng lãi suất như: Nhóm có giá đã điều chỉnh đủ hấp dẫn; nhóm vay nợ ít; nhóm có tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao và nhóm hưởng lợi nếu Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế (nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch). Đối với các thông tin quốc tế, nhà đầu tư cần theo dõi thêm các thông tin, diễn biến cập nhật về tình hình thế giới, quan điểm điều hành của các ngân hàng trung ương và khả năng Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới.

Đánh giá về thị trường chứng khoán tháng này, các chuyên gia BSC đã đưa ra 2 kịch bản và vẫn lấy mốc VN-Index 1.000 điểm là trục trọng tâm.

Theo đó, trong trường hợp tâm lý thị trường dần ổn định và lực cầu bắt đáy hình thành mặt bằng giá trên 1.000 điểm, VN-Index có nhịp kiểm tra lại cản 1.050 điểm của mô hình 2 đáy lệch với mục tiêu giá tại 1.100 điểm. Theo các chuyên gia của BSC, kịch bản này sẽ xuất hiện nếu diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ và hoạt động giao dịch khối ngoại tích cực; đồng thời, khi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong tầm kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy cuối năm.

Ở kịch bản khác, trong trường hợp diễn biến thị trường tiền tệ và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện, cũng như yếu tố quốc tế vẫn căng thẳng, thì tâm lý thị trường vẫn chưa tích cực trở lại. Theo dự báo của BSC, trong kịch bản này, VN-Index có thể mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và lui về các vùng điểm thấp hơn đáy 986 điểm trong tháng này.