Trình Quốc hội gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 347 nghìn tỷ đồng Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng chính sách ủng hộ phòng chống dịch Gói chính sách hỗ trợ về tài khóa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Tiền có hạn nên chính sách hỗ trợ cần cân nhắc

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đã dùng cụm từ “hết sức cấp thiết”, “phao cứu sinh”… để nói đến sự cần thiết phải có gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ở điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, với việc trình gói hỗ trợ này, Chính phủ đã vào cuộc kịp thời, chính sách tài khóa và tiền tệ đầy ý nghĩa nhân văn này hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân.

Kiểm soát chặt gói hỗ trợ, tránh để lợi dụng chính sách
Các đại biểu Quốc hội tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội sáng 7/1. Ảnh: TL.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa, chính sách miễn, giảm thuế được trình trong dự thảo nghị quyết là phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần phải quy định rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, có bao gồm cả doanh nghiệp FDI hay không. ĐB đề nghị cần quy định cụ thể hơn, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan tỏa trong nền kinh tế.

Về chi ngân sách cho phòng chống dịch, ĐB đề nghị tăng chi cho chương trình phòng chống dịch, trang thiết bị cho ngành y tế, hỗ trợ chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế.

ĐB Phạm Văn Hòa thống nhất việc hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng phải quy định chặt chẽ, tránh để mất vốn. Hoặc việc tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp, theo ĐB là cần thiết, nhưng phải giải thích cho các ngân hàng khác, tránh so bì.

Đáng lưu ý, ĐB cho rằng, “đối tượng còn nhiều mà tiền thì có hạn, nên chính sách hỗ trợ cũng cần cân nhắc”.

Lợi dụng chính sách sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế

Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết, ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, chương trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng, nên phải có giải pháp cụ thể. ĐB đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, đồng thời kiến nghị cần quy định rõ dự kiến huy động trong nước và vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Theo ĐB, nên huy động nguồn vay trong nước thay vì vay vốn nước ngoài.

Cũng theo ĐB, trong công tác phòng chống dịch, phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở, trong gói 14 nghìn tỷ đồng, phải cân nhắc quan tâm đến con người. Cán bộ y tế tuyến cơ sở yếu về chuyên môn, phải nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, nhưng cần có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, dự thảo nghị quyết nên quy định rõ tiêu chí, ưu tiên tập trung đầu tư trang thiết bị y tế cho trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, bởi theo ĐB Mai Văn Hải, như vậy sẽ hiệu quả lâu dài hơn.

“Về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với gói gần 40 nghìn tỷ đồng và lãi suất 2%/năm, là gói hết sức quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng cần có trọng tâm trọng điểm, như lĩnh vực: du lịch, vận tải hành khách, ngành hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng vay để mang đi đầu tư các lĩnh vực khác, gây rủi ro, làm suy giảm nền kinh tế”, ĐB Mai Văn Hải đề nghị.

Có ý kiến cho rằng, cần xem xét mối quan hệ biện chứng giữa 2 chính sách tài khóa và tiền tệ trong thực hiện chương trình.

Ngoài ra, nhiều ý kiến ĐB cho rằng, Chính phủ phải quy định rõ hơn nội hàm các chính sách, đối tượng thụ hưởng, đảm bảo chính sách khi ban hành sát với thực tiễn, thực sự đến đúng đối tượng, đem lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trên thực tế, các ĐB Quốc hội đều đồng tình, thống nhất cao đối với gói hỗ trợ hết sức cần thiết và chưa có trong tiền lệ này, nhưng các ĐB bày tỏ đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của chương trình, lưu ý tránh việc trục lợi chính sách, để đạt được hiệu quả cao nhất đó là sớm vực dậy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Theo ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), để đảm bảo đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng, tránh lợi dụng chính sách, trục lợi, lợi ích nhóm, cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong các nội dung của chương trình. Dự thảo nghị quyết đã quy định về vấn đề này, song để đảm bảo điều kiện, cơ chế thực hiện, cần bổ sung quy định về chế độ báo cáo, thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.../.

Đồng tình khấu trừ thuế cả tiền và hiện vật

Về khấu trừ thu nhập chịu thuế, đa số ĐB nhất trí với phương án 1 khi cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật đối với hoạt động phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch.

Có ý kiến đề nghị, đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của tài chính. Bởi vì, quy định như vậy là phù hợp và công bằng để tiếp tục khuyến khích, huy động tối đa mọi nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch./.