Tiếp tục bổ sung quy định để thắt chặt quản lý

Thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho thấy, tính đến tháng 3/2023, nước ta chỉ có 20 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Bên cạnh đó, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn liên tục tăng trưởng, có xu hướng tăng với tỷ lệ tăng trưởng khá cao.

Cụ thể, năm 2020 đạt hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2019. Năm 2021, doanh thu ngành đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng 24% so với năm 2020. Như vậy, doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp trong 5 năm không có năm nào giảm mà đóng góp của ngành vào nguồn thuế nộp ngân sách nhà nước cũng tăng mạnh, năm 2021, số thuế nộp ngân sách thống kê đạt là 2.819 tỷ đồng, tăng 35,1% so với năm 2020.

Bộ Công thương đánh giá, hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt từ khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực. Các giải pháp quản lý đã được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật đã bị kiểm soát chặt chẽ.

Kinh doanh đa cấp tiếp tục nằm trong
Số lượng doanh nghiệp đa cấp giảm, nhưng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Song, các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua nhiều hình thức lại có xu hướng nở rộ, gây nhiều hệ lụy lớn, đặt công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trước những khó khăn và thử thách mới.

Do đó, sau Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP (Nghị định số 18) sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định số 18 ra đời đã hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2023.

Năm 2022 đã có 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam. Hai doanh nghiệp này đều bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do phát hiện các vi phạm nghiêm trọng trong chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Được biết, trước khi bị thu hồi giấy chứng nhận, Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế phải nộp phạt hành chính 815 triệu đồng và Công ty TNHH Homeway Việt Nam phải nộp 395 triệu đồng.

Theo đó, nghị định này quy định chặt chẽ hơn, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.

Ngoài ra, bổ sung khoản 13 và 14 Điều 40 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải bảo đảm tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó.

Mặt khác, nghị định cũng bổ sung khoản 14 Điều 40 với quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vào “tầm ngắm”

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) vừa cho biết, sẽ thanh tra 4 doanh nghiệp đa cấp và kiểm tra chuyên ngành đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trong năm 2023.

Theo đó, Ủy ban này sẽ thực hiện kiểm tra đối với 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink) có địa chỉ trụ sở chính: Lô C16/D21 khu đô thị mới Cầu Giấy (phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) và Công ty TNHH Oriflame Việt Nam có địa chỉ trụ sở chính ở số 100-102 Nguyễn Văn Trỗi (phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Bên cạnh đó, 4 doanh nghiệp đa cấp có tên trong danh sách bị thanh tra gồm: Công ty TNHH Seacret (tầng 4, tòa nhà số 227B, Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM); Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam (số 89, đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, TP.HCM); Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam (số 38/1 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) và Công ty TNHH Gcoop Việt Nam (B17-17 Vinhomes Gardenia, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Mặt khác, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng đề nghị người dân cung cấp thông tin liên quan đến những vướng mắc, những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp để xem xét, làm rõ trong quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nói trên.

Kinh doanh đa cấp tiếp tục nằm trong "tầm ngắm”
Chương trình huấn luyện làm giàu nhanh chóng tại Công ty Caster City (không được cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp). Ảnh: TL

Được biết, năm 2022, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã triển khai thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với 5 doanh nghiệp khác, kết quả cho thấy các doanh nghiệp này về cơ bản đã tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế.

Cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam; phạt 235 triệu đồng đối với Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam; phạt 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam; phạt 85 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt; phạt 350 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam.

Muôn hình vạn trạng kinh doanh đa cấp

Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, môi trường kinh doanh đa cấp hiện nay đang diễn biến “muôn hình vạn trạng” mà có thể gọi là “ma trận”. Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ bị dẫn dụ thông qua môi trường giao tiếp không biên giới trên không gian mạng ngoài khuôn khổ quản lý của Nghị định 18.

Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam, cũng như trên thế giới.