Dự kiến cho ý kiến, thông qua 16 luật, 4 nghị quyết

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp thứ 5 là kỳ họp hết sức quan trọng, công tác lập pháp rất nặng, có thể “gấp đôi bình thường” khi dự kiến sẽ thông qua và cho ý kiến về 16 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết.

Trong đó, có 7 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua, bao gồm 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 4 và gần đây được trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đã cơ bản đạt sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra; 1 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và sẽ xem xét thông qua theo quy trình kỳ họp.

Bên cạnh đó, có 9 dự án luật được xem xét cho ý kiến, bao gồm dự án Luật Đất đai, đã được thảo luận lần thứ hai sau khi đã tiếp thu hoàn thiện ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và lấy ý kiến nhân dân.

Kỳ họp thứ 5: Khối lượng công việc lập pháp lớn gấp đôi bình thường

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp 22

Với khối lượng công việc lớn như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến kỹ hơn về công tác phối hợp trong việc cho ý kiến, xem xét các dự án luật. “Điều quan trọng nhất là tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ. Ngay cả một số dự án luật sắp xem xét vài ngày tới nhưng tới nay chưa có hồ sơ chính thức Chính phủ trình nên rất khó khăn cho công tác thẩm tra và cho ý kiến” - Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến và nhấn mạnh tinh thần “những thứ không đảm bảo chất lượng và quy trình thì đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại”.

Cũng tại kỳ họp thứ 5, theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kết quả sơ bộ, kế hoạch 2023 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

Xem xét kết quả giám sát việc sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19

Dự kiến thời gian kỳ họp này khá dài, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc có thể tách làm 2 đợt để các đại biểu kiêm nhiệm có thể giải quyết vấn đề cấp bách ở địa phương và các cơ quan trình có thêm thời gian trình, chuẩn bị. Trường hợp đã chuẩn bị kỹ lưỡng, mọi thứ sẵn sàng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có thể làm một đợt, không cần kéo dài thời gian.

“Đề nghị các đồng chí cho ý kiến thêm về cách thức tổ chức kỳ họp để có chất lượng cao. Theo phương án làm một lèo là tốt nhất, nếu không có thể giãn ra 1 tuần, nạp năng lượng để làm tiếp” - Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Kỳ họp thứ 5: Khối lượng công việc lập pháp lớn gấp đôi bình thường
Các đại biểu tham dự phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp 22, UBTVQH cũng cho ý kiến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiệm kỳ này công tác lập pháp có tính hệ thống, bài bản, trong kế hoạch có 137 nhiệm vụ đề xuất cho cả nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, 24 nhiệm vụ đã chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, UBTVQH xem xét thông qua.

Về công tác giám sát, UBTVQH sẽ cho ý kiến về về báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng; báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải thực hiện việc này và dần đưa vào nề nếp theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bởi thực tế, có những sai phạm cụ thể được xử lý rất nghiêm, nhưng khi ban hành một văn bản sai gây hậu quả nghiêm trọng, gây ách tắc các vấn đề lại chưa được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp này, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023; cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024.

Sau phiên họp thứ 22, từ 12 - 14/4, UBTVQH sẽ họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 4.