Lãi suất tín dụng đen siêu cao như trên là trường hợp mới phát hiện gần đây liên quan đến nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đang chuyển hướng sang lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.

Lãi suất tín dụng đen cao nhất lên đến 1.700%/năm
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào.

Thủ đoạn thường là quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống.

Các đối tượng cũng thường ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm phá luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Các đối tượng hình sự cũng hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Khách hàng nếu cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.