nhan luc

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MĐ.

Đây là thông tin được ManpowerGroup công bố tại hội thảo Hội nhập quốc tế và nguồn nhân lực trong tương lai – trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tập đoàn ManpowerGroup tổ chức chiều 3/12.

Theo đánh giá của ManpowerGroup, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot, người lao động đang đứng trước nguy cơ bị thay đổi bởi máy móc, tự động hóa ở quy mô toàn cầu. Sự thay đổi này khác nhau theo từng vị trí, trong đó nhân sự công nghệ thông tin sẽ có tỷ lệ tăng việc làm lớn nhất khi các tổ chức tích cực đầu tư vào số hóa, tiếp đến là nhân viên tuyến trên như lễ tân, chăm sóc khách hàng. Ngược lại, số lượng nhân sự hành chính văn phòng được dự đoán sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của tự động hóa.

Tại Việt Nam, tuy dấu ấn này chưa rõ nét lắm nhưng Việt Nam đang trong lộ trình hội nhập quốc tế, do đó yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế đất nước. Với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông đánh giá, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường quý 2/2018 của ManpowerGroup, chỉ 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Cùng với đó, kể cả đã được đào tạo nghề nghiệp song lao động của Việt Nam vẫn thiếu hụt những kỹ năng mềm cần thiết, ngoại ngữ, tác phong làm việc cũng như khả năng thích ứng trong môi trường nghề nghiệp mới.

Cùng với tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, ManpowerGroup cũng nhấn mạnh đến sự thiếu hụt nhân tài đang diễn ra trầm trọng ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng gặp thách thức trong tuyển dụng nhân tài. Cụ thể tỷ lệ này ở các doanh nghiệp lớn là 67% trong khi ở các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ lần lượt là 32% và 45%.

Mặc dù vậy, ông Simon Matthews bày tỏ lạc quan khi cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong việc nâng cao kỹ năng cho lao động ở các lĩnh vực tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp, Chính phủ và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thị trường việc làm tương lai, khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng đang nhanh hơn bao giờ hết.

Đồng thời, người lao động phải có kỹ năng học hỏi, sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới vì khả năng tuyển dụng ít phụ thuộc vào những gì lao động đã biết mà vào khả năng học tập, ứng dụng và thích nghi.

Trước những thực tế như vậy, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, phát triển thị trường lao động, củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam./.

Mai Đan