Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế Chống trốn thuế, rửa tiền qua các “thiên đường thuế” Cần có giải pháp ứng phó kịp thời trước cơ hội, thách thức đan xen
Lợi ích lâu dài, bền vững từ

Bài toán kéo doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư về nước mẹ

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, hiện tại Việt Nam đang áp dụng Luật Thuế TNDN năm 2008 và các luật sửa đổi, bổ sung, các nghị định quy định chi tiết và các thông tư hướng dẫn. Theo đó, thuế suất thuế TNDN Việt Nam đang áp dụng phổ thông là 20%.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài, trong những năm qua Việt Nam đã thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế TNDN. Theo đó, các mức ưu đãi hiện hành có: thuế suất 10% trong 15 năm, trường hợp đặc biệt thu hút đầu tư được kéo dài thêm 15 năm, tổng thời gian không quá 30 năm; 15% trong 12 năm; 17% trong 10 năm; 10% suốt đời dự án đối với 5 khoản thu nhập; 15% suốt đời dự án đối với 1 khoản thu nhập; miễn, giảm thuế có thời hạn (4 năm miễn, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; 2 năm miễn, giảm 50% trong 8 năm tiếp theo; 3 năm miễn, giảm 50% trong 7 năm tiếp theo; 2 năm miễn, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo); lĩnh vực ưu đãi (30 lĩnh vực) được quy định tại Luật Thuế TNDN, địa bàn ưu đãi đầu tư thực hiện theo nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư.

Ngoài ra, Luật Thuế TNDN có quy định miễn thuế đối với 11 khoản thu nhập, cho phép chuyển lỗ trong vòng 5 năm; cho phép được khấu hao nhanh... Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung về mức ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với mức cao hơn.

Theo đó, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt với các chính sách ưu đãi về thuế TNDN cao hơn nữa (thuế suất 9% trong 30 năm, miễn thuế TNDN trong 5 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 10 năm tiếp theo; thuế suất 7% trong 33 năm, miễn thuế TNDN trong 6 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 12 năm tiếp theo; thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế TNDN trong 6 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 13 năm tiếp theo).

Bộ Tài chính cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu là giải pháp của các nước lớn, có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kéo các tập đoàn đang hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nước mẹ của tập đoàn, hạn chế việc tránh thuế TNDN. Việt Nam là nước thu hút đầu tư nước ngoài (nước nhận đầu tư), theo đó sẽ bị tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu.

Doanh nghiệp cũng được lợi

Bộ Tài chính cho biết, qua tính toán so sánh, nếu áp dụng các mức ưu đãi gồm thuế suất và thời gian miễn giảm thuế của Luật Thuế TNDN hiện hành thì về cơ bản, doanh nghiệp sẽ nộp tổng số thuế TNDN cao hơn so với áp dụng thuế suất 15% trong suốt thời gian hoạt động, tức là doanh nghiệp sẽ được lợi hơn nếu áp dụng thuế suất 15% suốt đời dự án, trừ trường hợp được ưu đãi theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giả sử doanh nghiệp có thời gian hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 50 năm, có phát sinh doanh thu và thu nhập chịu thuế từ năm đầu tiên dự án đi vào hoạt động, không chuyển lỗ, doanh nghiệp được áp dụng mức ưu đãi thuế TNDN theo Luật Thuế TNDN là thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo, hết thời gian ưu đãi doanh nghiệp nộp theo mức thuế suất 20%.

Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để cụ thể hóa các chính sách

Để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp ứng phó, cũng như dự kiến một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan để cụ thể hóa các chính sách này. Dự kiến có một số chính sách có thể hỗ trợ được như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trực tiếp trong các khu công nghiệp có doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển, cũng như sẽ có các chính sách khác phù hợp với các cam kết của Việt Nam.

Ví dụ, một doanh nghiệp có thu nhập tính thuế ổn định 100 tỷ đồng/năm. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện ưu đãi theo Luật Thuế TNDN, doanh nghiệp sẽ phải nộp tổng số thuế TNDN là 765 tỷ đồng trong suốt thời gian hoạt động. Nếu doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế TNDN là 15% trong suốt thời gian hoạt động, doanh nghiệp phải nộp tổng số thuế TNDN là 750 tỷ đồng. Như vậy, số thuế TNDN doanh nghiệp phải nộp nếu áp dụng thuế suất thuế TNDN là 15% sẽ thấp hơn so với ưu đãi theo Luật Thuế TNDN.

Với thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định (theo pháp luật đầu tư nước ngoài trước đây có cả trường hợp áp dụng thuế suất 10% suốt đời dự án), nên trên thực tế thuế suất đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ưu đãi, sẽ có thuế suất thực tế bình quân 6% đến 8% trong thời gian được hưởng ưu đãi, thấp hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%.

Còn theo đánh giá về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế TNDN không bị ảnh hưởng.

Nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có quy định về thuế tối thiểu đạt chuẩn 15%, thì sẽ thu thêm thuế TNDN bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN tại Việt Nam, với số thuế thực tế thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu và sẽ góp phần tăng thu NSNN về thuế TNDN từ những đối tượng này.

Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (quy định IIR và UTPR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mà có doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR (thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu) và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những doanh nghiệp này.

Chủ động áp dụng để giành quyền thu thuế

Thông tin về tình hình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của các nước, Bộ Tài chính cho biết, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua chỉ thị về thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Các nước châu Âu không phải thành viên EU và các nước thuộc châu Á sẽ áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR); quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024.

Còn đối với các nước trong khối ASEAN, thì Indonesia, sẽ áp dụng quy định IIR và quy định UTPR từ năm 2024; Malaysia, sẽ áp dụng quy định QDMTT từ năm 2024. Còn Thái Lan, chưa xác định thời gian bắt đầu áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến các nội dung này sẽ được Chính phủ Thái Lan xem xét và phê duyệt trong năm 2023.

Như vậy, các nước xuất khẩu vốn, đặc biệt các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đều đang nghiên cứu và đưa ra chính sách ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có việc áp dụng các quy định IIR, UTPR và QDMTT từ năm 2024, để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu 15%.