Thẩm định giá: Đúng – sai cần căn cứ vào pháp luật về giá
Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá
Luật Giá góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Sáng 17/12, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về kết quả sơ bộ rà soát Luật Giá với các luật chuyên ngành.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, đại diện sở tài chính một số tỉnh, thành phố, đại diện doanh nghiệp thẩm định giá.

Sửa đổi Luật Giá gắn với phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Luật Giá đã thực hiện gần 9 năm, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Thực thi Luật Giá đã góp phần phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Sau gần 9 năm thực hiện, đến nay bối cảnh kinh tế - xã hội đã có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, cũng đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý điều hành giá. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hồ sơ sửa đổi luật với 9 nhóm chính sách. Theo đó, nhiều vấn đề về quy chế quản lý, điều hành giá sẽ được sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, khắc phục hạn chế vướng mắc, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, góp phần tham gia bảo vệ môi trường sinh thái”- ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Luật Giá phải là luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá
Luật Giá hiện hành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững luôn được được quan tâm trên phạm vi toàn cầu, từ đó tạo động lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế. Trong đó giá cả của hàng hóa dịch vụ là một trong hệ thống cùng với tài chính, có ý nghĩa quan trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể nền kinh tế. Cơ chế chính sách về giá là một trong những công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường, điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh, phân bổ nguồn lực xã hội, góp phần tham gia ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc bố trí nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý về giá, nhất là khi phải gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững còn hạn chế. Vì vậy, việc kịp thời rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật về giá là hết sức cần thiết trong thời gian tới đây.

Việc rà soát Luật Giá với các luật chuyên ngành, để có cái nhìn tổng thể trên mọi góc độ, từ đó đánh giá những tồn tại, bật cập để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về giá đồng bộ, thống nhất tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước hướng đến mục tiêu đã được Chính phủ, Bộ Tài chính phê duyệt.

51 văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Giá

Theo ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, ngoài Luật Giá, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về giá, dẫn đến sự trùng lặp không cần thiết, do đó cần có sự điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Vừa qua, Cục Quản lý giá phối hợp với các đơn vị hoàn thiện trình Bộ Tài chính trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý 9 chính sách sửa đổi Luật Giá do Bộ Tài chính đề xuất.

Bộ Tài chính đề xuất đưa phạm vi, vai trò pháp lý của Luật Giá được xác định là luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá, điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quản lý điều hành giá, thẩm định giá; được ưu tiên vận dụng trong các trường hợp xung đột pháp luật liên quan đến lĩnh vực giá.

Để rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Giá với các pháp luật chuyên ngành, cơ quan quản lý đã rà soát 285 văn bản (trong đó gồm 77 luật, 63 nghị định, 11 thông tư liên tịch, 128 thông tư và 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Tổng số văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo với quy định tại Luật Giá là 51 văn bản.

Kết quả rà soát cho thấy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá và thẩm định giá trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản đã được ban hành đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội phù hợp với quy luật kinh tế khách quan, đồng thời bảo đảm vai trò điều tiết về giá của Nhà nước nhằm khắc phục những mặt trái của cơ chế giá hình thành theo thị trường.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Theo nhóm nghiên cứu, về hoạt động điều tiết giá của Nhà nước, có 6 luật có các quy định trùng lặp với Luật Giá. Hoặc có đến 20 luật, nghị định có các quy định chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Giá…

Thông qua việc rà soát, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu để đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn./.

Các chính sách lớn được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi tại Luật Giá

Các chính sách lớn được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi tại Luật Giá đó là: Hoàn thiện các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật; củng cố, kiện toàn công tác xây dựng phương pháp định giá nhà nước, thống nhất trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá hàng hóa dịch vụ cũng như quy trình xây dựng phương pháp định giá trên cơ sở phương án, hồ sơ từ các bộ, ngành; điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá từ Quốc hội cho Chính phủ; điều chỉnh các quy định hiện hành về phạm vi áp dụng đối với biện pháp hiệp thương giá.

Ngoài ra, một số vấn đề cũng được đề xuất sửa đổi tại Luật Giá, như: kê khai giá để tăng cường hiệu lực thực hiện của biện pháp kê khai giá, đáp ứng yêu cầu quản lý giá trong thực tiễn cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính đối với biện pháp đăng ký giá; củng cố cơ sở pháp lý để triển khai toàn diện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo; hoàn thiện các quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thẩm định viên về giá; quy định về thẩm định giá Nhà nước./.