cho

Người dân mua hàng tại siêu thị

* PV: Thưa ông, Luật Giá sau hơn 5 năm thực hiện được cho là đã tác động tích cực vào công tác quản lý, điều hành giá theo kinh tế thị trường. Luật thể hiện tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, cũng như tạo hành lang pháp lý cho cơ chế bình ổn giá, điều hành giá bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô. Ông nhận định những nét cơ bản về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đúng vậy, kể từ khi Luật Giá đi vào cuộc sống đến nay, có thể khẳng định, đây là văn bản pháp lý quan trọng thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Luật cũng đã đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước về giá, chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế.

tuan
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Một đóng góp quan trọng khác phải nhắc đến đó là: Thực hiện Luật Giá, Chính phủ và Bộ Tài chính đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần giữ CPI (chỉ số giá tiêu dùng) hàng năm cơ bản theo lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình; thu hẹp danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (chỉ định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn tới kinh tế - xã hội); không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá…

Từ khi có Luật Giá, quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức sản xuất kinh doanh được tôn trọng và đẩy mạnh. Hệ thống pháp luật về giá tạo hành lang pháp lý cho triển khai cơ chế bình ổn giá, điều hành giá bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường…

* PV: Luật Giá quy định phân công, phân cấp quản lý giá giữa các bộ, ngành. Các bộ, ngành phải tự quyết và chịu trách nhiệm về tính công khai, tính hợp lý đối với giá cả các mặt hàng do mình quản lý. Công tác này thời gian qua đã được thực hiện tốt hay chưa, thưa ông?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Giá. Đến nay, đã bước đầu phân định rõ hơn về nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, qua đó, thể hiện tính minh bạch, công khai, góp phần lớn trong việc điều hành giá, kiểm soát lạm phát.

Thực hiện thẩm quyền được giao, các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định giá một số hàng hóa thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: khung giá đất, khung giá cho thuê mặt nước, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân…

Đồng thời, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định về giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực mình quản lý như: giá truyền tải điện, giá phát điện; một số dịch vụ thuộc lĩnh vực hàng không, hàng hải, bưu chính viễn thông, y tế (dịch vụ khám chữa bệnh)…

Tại các địa phương, UBND cấp tỉnh đã ban hành hoặc trình HĐND ban hành các quy định về giá các loại đất, giá thuê đất, thuê mặt nước, giá nước sạch sinh hoạt, giá các dịch vụ y tế, giáo dục thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Có thể nói, các mặt hàng do Nhà nước định giá được thẩm định phương án giá chặt chẽ, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, có tính đến lộ trình và xem xét đến khả năng chi trả của người tiêu dùng.

* PV: Qua 5 năm thực hiện luật, thực tế cũng có phát sinh những bất cập, vướng mắc và cần phải có giải pháp khắc phục ra sao, thưa ông?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng như tôi phân tích ở trên, nhưng Luật Giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định. Tôi có thể nói một cách khái quát, như: hạn chế trong các quy định tại luật, giữa Luật Giá và các luật liên quan khác có quy định về giá; những vấn đề đặt ra đối với việc thống nhất quản lý chuyên ngành về giá theo phân công của Chính phủ; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện, trong đó rà soát hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế hợp lý trong giá với lộ trình cụ thể.

Về hoàn thiện pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các tồn tại, vướng mắc trong thi hành Luật Giá và các văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, kiểm soát có hiệu quả tình trạng tăng, giảm giá bất hợp lý, không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: xăng dầu, nước sạch, đất đai, điện, dịch vụ công, sẽ điều hành theo nguyên tắc thị trường, đồng thời rà soát để hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng làm rõ vai trò của các cấp quản lý trong điều hành giá; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí theo lộ trình thích hợp.

Bên cạnh đó, các chế tài đối với việc chấp hành pháp luật về giá sẽ được tăng cường; hoàn thiện cơ chế thông tin minh bạch để kiểm soát chi phí sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực của vị thế độc quyền…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)