Chỉ khoảng 45,5% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và sẽ bước vào quá trình già hóa dân số vào năm 2036. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ Phát triển dân số của Liên Hợp quốc năm 2021, Việt Nam chỉ còn hơn 15 năm nữa để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già. Dự tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, hoặc 22,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên.

Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tới người lao động tự do tại tỉnh Bắc Giang.
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tới người lao động tự do tại tỉnh Bắc Giang.

Lương hưu hàng tháng là nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống khi về già của người lao động - độ tuổi dễ bị tổn thương nhất: hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 4/2022 của 2 cơ quan này, đến nay, tại Việt Nam mới có khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng. Nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%.

Thống kê cho thấy, độ bao phủ đối với lương hưu cho người cao tuổi tính đến năm 2021 trên cơ sở đóng góp mới chỉ có hơn 2 triệu người. Vì vậy, nếu không có con cái hỗ trợ và không còn đủ sức khỏe để làm việc thì sẽ có rất nhiều người cao tuổi rơi vào tình trạng nghèo đói. Trong khi đó, ngân sách nhà nước còn hạn chế nên dù trợ cấp xã hội cho người cao tuổi được điều chỉnh tăng dần qua các năm, nhưng việc không có lương hưu để tự chủ tài chính khiến người cao tuổi trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Không có lương hưu hoặc lương hưu thấp khi chọn rút một lần

Ngoài các khoản tiết kiệm, tích lũy, việc tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện của người lao động khi còn trẻ để được hưởng lương hưu khi về già được coi là “hộ chiếu” tuổi già, giúp họ sống an nhiên, ổn định. Tuy nhiên, dịch Covid-19 hoành hành hơn 2 năm qua, nhiều người lao động mất việc làm dẫn đến không có thu nhập nên chọn hưởng BHXH một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Một số lao động khác lựa chọn nhận vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH.

Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa. Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già.

Các căn cứ để tính lương hưu của người lao động

Khi tính mức hưởng lương hưu, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) làm căn cứ tính lương hưu của người lao động được điều chỉnh như sau:

- Đối với người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.

- Đối với người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi và người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Phân tích rõ hơn điều này, bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, nhận BHXH một lần, người lao động sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi, đó chỉ là giải pháp lợi trước mắt nhưng hại lâu dài. Cụ thể, khi rút một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ không được bảo lưu. Trong trường hợp sau khi rút một lần, người lao động tiếp tục tham gia BHXH sau đó nhưng các quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với việc tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Vì vậy, việc rút BHXH một lần có thể khiến người lao động không có cơ hội được hưởng lương hưu khi về già do tự rời bỏ hệ thống an sinh xã hội, hoặc nếu có thì mức hưởng cũng rất thấp do thời gian đóng thấp.

Bên cạnh đó, bà Hiền cũng phân tích một lợi thế lớn trong chính sách lương hưu, đó là mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị. Mức hưởng lương hưu theo định kỳ sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.

Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn do Covid-19, nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.

Xung quanh vấn đề này, BHXH Việt Nam khuyến nghị, người lao động không nên lựa chọn hưởng BHXH một lần mà có quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc. Hoặc người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu, để chăm sóc sức khỏe khi về già.